“Ngành y tế sẽ chủ động, quyết liệt đối phó với dịch bệnh mới nổi và dịch xâm nhập từ bên ngoài. Chung tay giảm tải bệnh viện (BV) vì sự hài lòng của người bệnh. Cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà trong khám, chữa bệnh BHYT, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ, nhân viên y tế vi phạm” - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cam kết tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành ngày 21-1 như trên.
Người bệnh không còn nằm ghép
Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện tình trạng quá tải khu vực điều trị nội trú đã được cải thiện. Có 58% BV tuyến trung ương và 47% BV tuyến tỉnh giảm số khoa nằm ghép trong BV. Ngành y tế đã giảm được bức xúc của người dân trong việc nằm ghép hai, ba, bốn, thậm chí là năm, sáu người trong một giường. Giảm thời gian chờ đợi của người bệnh trung bình 50 phút. “Đã có 13 BV ký cam kết không có bệnh nhân nằm ghép, thể hiện quyết tâm của các BV. Hình ảnh BV đông, chật chội sẽ đi vào dĩ vãng trong tương lai” - bà Tiến cam kết.
“Với vấn đề các cơ sở y tế không công nhận xét nghiệm với nhau, Bộ Y tế đang xây dựng hai trung tâm kiểm chuẩn nhưng tiến độ không như mong muốn. Chúng tôi mong muốn tiến tới các xét nghiệm chuẩn để phải công nhận, tránh mất thời gian và tốn kém” - bà Tiến nói.
Giảm phiền hà trong khám, chữa bệnh BHYT giúp bệnh nhân đỡ mệt mỏi chờ đợi. Ảnh: HTD
Xảy ra tai biến: BV phải chịu
Phân tích về những tai biến y khoa xảy ra trong thời gian vừa qua, ông Vũ Đức Bình, Cục trưởng Cục Quân y, Bộ Quốc phòng, cho rằng tai nạn chuyên môn kỹ thuật sâu thì không thể tránh khỏi trong ngành y tế. Tuy nhiên, phải phân định hai mảng sai phạm.
“Sai phạm y tế do kỹ thuật khó, do trường hợp bệnh nhân khó, không giải quyết được và phức tạp là vấn đề khác. Nhưng đặc biệt phải cương quyết chống lại những sai phạm do khám xét không toàn diện, đầu tư thời gian cho người bệnh không thích đáng, kiến thức của bác sĩ không được cập nhật và đặc biệt thiếu trách nhiệm về y đức” - ông Bình nói.
Ông Bình cũng nhận định đơn thuốc đang làm cho người bệnh nghèo đi vì thầy thuốc chạy theo quá nhiều biệt dược và tác động của thị trường.
“Khi xảy ra tai biến, giám đốc BV phải chịu trách nhiệm trước mắt. Tiếp đó, những người thực thi để xảy ra sai sót phải chịu trách nhiệm. Giám đốc Sở Y tế và chủ tịch cấp tỉnh phải tăng cường giám sát, chỉ đạo công tác, hướng dẫn cán bộ y tế” - bà Tiến yêu cầu.
Về chất lượng, nhân lực, y đức của người thầy thuốc, bà Tiến cho rằng đây là một thách thức của ngành y tế, không phải giải quyết một sớm một chiều.
Về trang thiết bị y tế nhập khẩu trong thời gian qua có hiện tượng gian lận thương mại, trách nhiệm này thuộc về chủ đầu tư là các giám đốc BV, giám đốc Sở Y tế.
“Trong tương lai sẽ phải công khai, minh bạch kết quả đấu thầu trang thiết bị, thuốc để tránh hiện tượng nhập hàng kém chất lượng. Đặc biệt sẽ tăng cường công tác hậu kiểm” - bà Tiến cho biết.
Phó thủ tướng lưu ý “công, tư” trong BV Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương nỗ lực giảm tải của ngành y tế không để bệnh nhân nằm ghép. “Lẽ ra điều ấy là đương nhiên. Tôi đề nghị tiếp tục rà soát các nguyên nhân không do thiếu tiền đầu tư mà quá tải. Ví dụ như khó khăn trong thanh toán bảo hiểm, đầu tư máy móc xã hội hóa, các BV không trao đổi dẫn đến khám nhiều, khám đi khám lại...”. Với thông tin BV Đa khoa Phú Thọ có 1.300 giường, trong đó 800 giường công và 500 giường xã hội hóa. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu hàng loạt câu hỏi: Việc quản lý giữa khu vực công và xã hội hóa thế nào? Có tách bạch không? Phần xã hội hóa có ảnh hưởng đến quyền lợi của người khám bệnh bảo hiểm không? Có hiện tượng bác sĩ giỏi dồn sang làm khu dịch vụ hay không? Nếu làm không cẩn thận, bác sĩ giỏi sẽ sang hết khu xã hội hóa và dân thường chỉ còn bác sĩ không giỏi khám, chữa bệnh. Phó Thủ tướng lưu ý BV Phú Thọ: Phải làm sao tất cả người bệnh khi đã vào BV thì quyền lợi được khám bệnh, chữa bệnh như nhau. |