Nội dung công văn nêu rõ dịch vụ xoa bóp không còn được quy định là loại hình kinh doanh có điều kiện và thủ tục công bố cơ sở dịch vụ xoa bóp không còn được quy định thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.
Trước đó, dịch vụ massage được xem là loại hình kinh doanh có điều kiện. Các cơ sở massage được thành lập phải đảm bảo, đáp ứng các tiêu chuẩn về nhân sự, cơ sở vật chất, thiết bị theo Điều 38 Nghị định 109/2016, bao gồm:
- Nhân viên kỹ thuật xoa bóp khi được nhận vào làm việc phải có giấy chứng nhận đủ sức khỏe do cơ sở khám chữa bệnh từ cấp huyện, quận cấp, trong quá trình làm việc phải khám sức khỏe định kỳ 3-6 tháng một lần. Người mắc bệnh tâm thần, viêm gan B, da liễu, bệnh lao phổi và các bệnh truyền nhiễm khác đang phải điều trị không được hành nghề.
- Biển hiệu phải ghi đúng “xoa bóp” hoặc “massage”, không được ghi cụm từ “vật lý trị liệu, phục hồi chức năng” hoặc tên khác.
Mỗi phòng xoa bóp có chuông cấp cứu bố trí một chiều từ phòng xoa bóp tới phòng bác sĩ hoặc nơi đón tiếp khách hàng;
- Có bản quy trình kỹ thuật xoa bóp chữ to, dễ đọc dán hoặc treo trên tường phòng xoa bóp in trên khổ giấy A1.
- Có buồng tắm hợp vệ sinh, bảo đảm có đủ điện, nước và các điều kiện vệ sinh khác để chăm sóc khách hàng.
- Có đủ thuốc theo danh mục quy định, có dụng cụ y tế thông thường.
Đặc biệt, trong thời hạn 10 ngày trước khi hoạt động, các cơ sở kinh doanh dịch vụ massage phải có văn bản thông báo đủ điều kiện hành nghề gửi về Sở Y tế nơi đặt trụ sở để quản lý.
Với Công văn 579 của Bộ Y tế, từ ngày 30-5-2019 các sở y tế sẽ không tiếp nhận, giải quyết thủ tục công bố đủ điều kiện hoạt động đối với cơ sở dịch vụ xoa bóp nữa.