Điều đó biểu hiện rõ trong buổi thảo luận của Chính phủ ngày 21-3 về sửa đổi Luật Dược, lúc Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tự nhận “Bộ Y tế khép kín, vừa đá bóng vừa thổi còi” do vừa có quyền quản lý về sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc, vừa làm đầu mối quản lý giá thuốc.
Điều đó cũng được bộc lộ trong tờ trình của cơ quan này, khi xếp những bất cập, yếu kém trong quản lý giá thuốc là lý do đầu tiên buộc phải sửa đạo luật ban hành chín năm trước.
Dẫn giải về những bất cập ấy, Bộ trưởng Tiến nói: “Thế giới không ai làm như mình cả. Với thuốc mà BHYT chi trả, họ tăng cường dùng thuốc gốc, thuốc nội, hạn chế biệt dược. Với các nhà cung ứng thuốc, họ chủ yếu dùng cách đàm phán giá. Chứ còn đấu thầu (như các bệnh viện VN đang làm - PV) thì có khi giá lại cao hơn…”.
Giải pháp mà Bộ Y tế - cơ quan chủ trì sửa đổi Luật Dược - đưa ra khá nhiều, song đáng chú ý là đẩy trách nhiệm đầu mối quản lý giá sang Bộ Tài chính.
Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ Y tế vẫn là đầu mối chủ trì quản lý nhà nước về giá thuốc. Ảnh: HTD
“Tài chính là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá. Bên đó có cả một cục chuyên về giá, lại có các đơn vị chuyên ngành thuế, hải quan. Chứ còn chúng tôi chỉ có một phòng quản lý giá thuộc Cục Quản lý Dược. Nói thật giao cho chúng tôi việc ấy tám năm nay, làm không xuể, lại còn bị Quốc hội, nhân dân nói là không khách quan, dễ tiêu cực…” - bà Tiến lý giải.
Tuy nhiên, đề xuất của Bộ Y tế không được ủng hộ.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thẳng thừng từ chối thẩm quyền mà Bộ Y tế gợi ý. Bản góp ý của ông Dũng đề xuất hẳn một điều khoản dài ngót 500 chữ về quản lý nhà nước về giá thuốc, xác định Bộ Y tế vẫn là đầu mối chủ trì quản lý nhà nước về giá thuốc. Ngoài ra, cơ chế mới dưới hình thức hội đồng liên ngành có chức năng tư vấn cho Thủ tướng về vấn đề giá thuốc. Hội đồng sẽ gồm đại diện các bộ Y tế, Tài chính, Công Thương, BHXH Việt Nam và các đơn vị liên quan.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam được Thủ tướng phân công theo dõi các lĩnh vực xã hội, trong đó có y tế ủng hộ quan điểm của Bộ Tài chính. Ông thừa nhận vấn đề giá thuốc bức xúc lắm rồi, nay cần đổi mới theo cách làm của quốc tế nhưng Bộ Y tế vẫn phải là “tư lệnh”.
Cũng như vậy, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - chuyên trách theo dõi về các lĩnh vực kinh tế, trong đó có tài chính, giá cả phát biểu: “Thoạt nghe thì giao Bộ Tài chính là đúng. Nhưng tài chính chỉ có thể giám sát, thanh kiểm tra thôi, còn giá cả cụ thể các lĩnh vực như điện, xăng, đất đai, học phí, viện phí… thì xu hướng Chính phủ đã giao cho các bộ chuyên ngành chịu trách nhiệm”.
Tương tự, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Hội đồng Quốc gia là mô hình hay và đứng đầu phải là Bộ Y tế.
Trước ý kiến khác nhau giữa cơ quan chủ trì dự luật và các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận giao Bộ Y tế nghiên cứu, tiếp thu, tiếp tục chỉnh lý dự thảo, rồi Chính phủ bàn tiếp. “Bộ Tài chính là đầu mối quản lý nhà nước về giá nhưng chỉ là đưa ra các nguyên tắc, tiêu chí xác định giá, kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách giá thôi. Còn Bộ Y tế phải xác định giá cả cụ thể” - ông nói.
Ông cũng thẳng thắn chỉ ra tình trạng các bệnh viện, bác sĩ là nơi quyết định dùng thuốc nhưng sau lưng nhiều bác sĩ lại là cửa hàng bán thuốc, trình dược viên. Cứ kê đơn ra đó là bệnh nhân ra mua, đâu thể mặc cả gì.
“Tôi nghe nói thuốc bán trong các bệnh viện còn có thể kéo giá xuống được. Thị trường bất cân đối, bệnh nhân yếu thế vậy thì trách nhiệm Nhà nước phải xắn tay vào. Sản xuất, kinh doanh thì phải có lợi nhuận nhưng không thể để tình trạng siêu lợi nhuận như thuốc được” - Thủ tướng kết luận.
NGHĨA NHÂN
Sẽ không phải đăng ký ngành nghề kinh doanh Cũng thuộc chuyên đề xây dựng pháp luật, Chính phủ đã thảo luận sửa Luật Doanh nghiệp (DN), Luật Đầu tư và luật mới về đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào DN. Đây là các dự án luật có liên quan mật thiết với nhau. Điểm mới đáng chú ý và được các thành viên Chính phủ đồng tình là việc đăng ký kinh doanh tới đây, chủ DN sẽ không phải đăng ký ngành nghề nữa. Tinh thần là DN được kinh doanh tất cả những ngành nghề pháp luật không cấm. Chỉ trong trường hợp cần thiết Nhà nước mới kiểm soát thông qua cơ chế “ngành nghề kinh doanh có điều kiện”. Một điểm mới khác là bổ sung thêm loại hình DN xã hội. “Đây là mô hình tương lai của các trường ĐH, cơ sở giáo dục, y tế bất kể là dân lập hay công lập. Là mô hình để những người có tâm huyết với cộng đồng tổ chức hoạt động mà lợi nhuận thu được chủ yếu sẽ quay trở lại phục vụ xã hội” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ ủng hộ. Nhưng trong các đề xuất mới cũng có những vấn đề còn ý kiến khác nhau. Chẳng hạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - chủ trì sửa Luật DN đề nghị bỏ khỏi luật này chương về DNNN. Thay vào đó, tất cả đặc thù về quản trị DN loại này đưa vào luật mới về quản lý vốn nhà nước đầu tư vào DN. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không đồng tình với quan điểm này, cho rằng DNNN là lực lượng quan trọng của kinh tế nhà nước, do đó vẫn phải có một chương riêng. “Nước nào cũng có DNNN cả, ta không việc gì phải băn khoăn” - Thủ tướng nói. |