Bối rối xử phạt quyền tác giả đối với điểm kinh doanh karaoke

(PLO)- Thực trạng vi phạm quyền tác giả tại các điểm kinh doanh karaoke đang diễn ra phổ biến nhưng nhận thức của chủ kinh doanh và thanh tra còn mù mờ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 31-3, Bộ VH-TT&DL, Cục Bản quyền tác giả tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định 131/2013 ngày

16-10-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan. Tại hội nghị, vấn đề xử phạt việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả trong kinh doanh dịch vụ karaoke được nhiều đại biểu quan tâm.

Ông Hoàng Văn Bình chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: VĂN HÀ

Ông Hoàng Văn Bình chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: VĂN HÀ

Băn khoăn thuyết phục chủ karaoke đóng tiền

Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Thanh Huy, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bình Thuận, cho rằng việc thu phí tác quyền đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke là một điều khá khiên cưỡng.

“Tôi đảm bảo 100% cơ sở karaoke hiện nay chỉ cho hát nhạc trên mạng nên việc thu phí tác quyền trong hệ thống số chỉ mang tính chất cưỡng bức để các chủ kinh doanh đóng... Với việc áp dụng theo hệ thống các bài hát đã được đưa vào các đầu số trong karaoke thì không còn phù hợp với sự phát triển của loại hình kinh doanh này nữa. Do đó, phải tính toán sao cho sát với thực tế” - ông Huy góp ý.

Trước khi sử dụng ca khúc trong phần karaoke, các cơ sở phải quan tâm đến quyền sử dụng, biểu diễn tác phẩm trước công chúng.

Một đại biểu của An Giang cũng chia sẻ ngay cả những người làm công tác thanh tra cũng chưa nắm rõ về việc thu phí quyền tác giả.

“Không ít chủ kinh doanh dịch vụ thắc mắc phải đóng bao nhiêu tiền cho một ca khúc, đóng như thế nào, đóng ra làm sao? Chúng ta vẫn chưa có khung cụ thể thì làm sao thuyết phục được các chủ karaoke tự nguyện đóng tiền bản quyền trong quá trình kinh doanh dịch vụ này” - đại biểu này nói.

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM bên lề hội nghị, luật sư Phan Vũ Tuấn, Văn phòng luật sư Phan Law, cho rằng mức độ tuyên truyền về quyền tác giả cũng như xử lý vi phạm quyền tác giả rất khó.

Đơn cử như việc thu phí bản quyền ca khúc karaoke, rất khó để giải thích về cái máy karaoke. Nhiều người thắc mắc: “Tôi đi mua máy về rồi, tại sao khi kinh doanh tôi phải trả thêm tiền?” nhưng không hiểu được việc mua tài sản của người khác về xài thì không sao nhưng kinh doanh thì không được.

“Pháp luật đã có quy định nhưng khó khăn nhất là làm sao để người dân hiểu đúng và thực hiện đúng” - ông Tuấn chia sẻ.

Đã có mức thu phí rõ ràng

Trước những thắc mắc của các đại biểu, ông Hoàng Văn Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC - Chi nhánh phía Nam), cho biết việc thay đổi hình thức sử dụng ca khúc không ảnh hưởng đến việc thu phí. Chẳng hạn thay vì trước đây các cơ sở dùng đầu máy số phát ca khúc thì hiện tại chuyển sang sử dụng thông qua app, nền tảng YouTube hoặc hệ thống riêng.

Theo ông Bình, trước khi sử dụng ca khúc trong phần karaoke, các cơ sở phải quan tâm đến quyền sử dụng, biểu diễn tác phẩm trước công chúng.

“Nghĩa là họ đang sử dụng quyền đó thì bắt buộc họ phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền. Còn vấn đề đóng như thế nào, giá tiền ra sao, trung tâm hằng năm đều có thông báo biểu mức cụ thể trên website và có cả app ứng dụng trên đó. Thậm chí trung tâm còn có một đội cấp phép chuyên giải thích những thắc mắc liên quan đến vấn đề cấp phép” - ông Bình cho hay.

Ngoài ra, ông Bình cho biết hằng năm VCPMC đều phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao các địa phương để triển khai hội nghị tuyên truyền tập huấn về vấn đề liên quan đến việc thực thi nghĩa vụ quyền tác giả.

“Trước đây, trung tâm rất muốn phối hợp với các đơn vị kinh doanh karaoke để lắp đặt thiết bị liên quan đến đo đếm (phần mềm cung cấp các bản ghi âm, ghi hình nền tảng cùng phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp ghi âm) nhưng các đơn vị không muốn hợp tác trả tiền, họ chỉ muốn sử dụng miễn phí thành ra họ mới nêu ra nhiều lý do” - ông Bình giãi bày.

Bên cạnh lắp đặt thiết bị đo đếm, VCPMC còn sử dụng phương pháp đóng theo phòng. Ví dụ tại TP.HCM, trung tâm ký hợp đồng và thu phí hằng năm (2,5 triệu đồng/phòng/năm) đối với mỗi phòng karaoke có danh sách ca khúc (ví dụ như danh sách app karaoke). Trường hợp đơn vị muốn sử dụng từng bài trong danh sách cũng được đáp ứng.

“Trung tâm tác quyền âm nhạc là tổ chức phi lợi nhuận thành ra cũng không áp đặt hay làm khó về giá cả các ca khúc đối với các địa điểm kinh doanh, khiến cho họ không thể hoạt động. Điều quan trọng là sự phối hợp giữa các bên để hài hòa lợi ích giữa người sử dụng (cụ thể là địa điểm kinh doanh karaoke) với tác giả” - ông Bình bày tỏ.•

Xâm phạm quyền tác giả âm nhạc diễn ra thường xuyên

Tình trạng xâm phạm quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc hiện nay diễn ra một cách thường xuyên ở nhiều lĩnh vực có sử dụng âm nhạc, điển hình là ở lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật (lĩnh vực sử dụng tác phẩm để biểu diễn một cách trực tiếp).

Cụ thể, nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn chỉ vì lợi nhuận đã luôn tìm cách né tránh, không thực hiện quy định xin phép trả tiền sử dụng dẫn đến tình trạng quyền, lợi ích hợp pháp của các tác giả bị xâm phạm, gây thiệt hại cho chủ sở hữu quyền.

Theo thống kê, trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2020, có 102 chương trình vi phạm, từ năm 2020 đến nay, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch nên hoạt động biểu diễn bị hạn chế nhưng cũng có tới hàng trăm chương trình xâm phạm quyền tác giả mà VCPMC biết hoặc ghi nhận được.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm