Đề xuất trên được Bộ Y tế đưa ra tại dự thảo Nghị định quy định về hoạt động tiêm chủng.
Theo dự thảo, những trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng do nguyên nhân sai sót trong thực hành tiêm chủng hoặc do vacicine được Nhà nước bồi thường bao gồm: người được tiêm chủng bị tai biến nặng bắt buộc phải cấp cứu, điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; người được tiêm chủng bị tai biến nặng để lại di chứng dẫn đến bị khuyết tật và người được tiêm chủng bị tử vong.
Về mức bồi thường, trường hợp tai biến nặng và để lại di chứng dẫn đến bị khuyết tật được hỗ trợ bằng mức lương cơ sở tại thời điểm giải quyết bồi thường nếu bị tổn thương cơ thể từ 11% - 15%; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 lần mức lương cơ sở nếu bị tổn thương cơ thể từ trên 15% - 80%; nếu bị tổn thương cơ thể từ 81% trở lên được bồi thường bằng 30 lần mức lương cơ sở. Ngoài việc được bồi thường thiệt hại theo quy định trên còn được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi theo mức độ khuyết tật theo quy định hiện hành của pháp luật về người khuyết tật.
Trường hợp tử vong, ngoài chi phí khám-chữa bệnh, thiệt hại vật chất cho người phải nghỉ làm không hưởng lương để chăm sóc, Nhà nước sẽ hỗ trợ thêm chi phí mai táng phí bằng 10 lần mức lương cơ sở.
Theo dự thảo, người bị thiệt hại phải chuẩn bị hồ sơ yêu cầu bồi thường gửi cho Sở Y tế, quản lý cơ sở y tế nơi xảy ra phản ứng sau tiêm chủng.
Khi tiếp nhận hồ sơ yêu cầu bồi thường, Sở Y tế có trách nhiệm kiểm tra và xác định tính hợp lệ của đơn và các giấy tờ kèm theo. Trường hợp hồ sơ không đầy đủ thì hướng dẫn người bị thiệt hại bổ sung.
Theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, tỉ lệ phản ứng sau tiêm chủng được ghi nhận ở Việt Nam thấp hơn so với khuyến cáo. Việt Nam đã từng ghi nhận nhiều ca tử vong sau khi tiêm vaccine, tuy nhiên tất cả các ca đều được xác định là do trùng hợp bệnh lý ngẫu nhiên hoặc sốc phản vệ chứ không liên quan đến vaccine.
Có một vài trường hợp bị tiêm nhầm nước cất, hoặc tiêm nhầm vaccine, tuy nhiên chưa ghi nhận biến chứng nặng. Chỉ duy nhất vụ việc ba trẻ tử vong tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) được tìm ra nguyên nhân là do nhân viên y tế tiêm nhầm thuốc.