Bolero có lẽ là dòng nhạc người miền Nam yêu thích và hát nhiều nhất. Ca sĩ nào cũng ráng phát hành cho mình một album bolero làm vốn lận lưng đặng dễ chạy sô.
Mùi mẫn bolero trên bàn nhậu chưa hẳn hát hay bolero
Với công chúng, ở đâu cũng có thể nghe bolero từ sân khấu hạng sang, sân khấu bình dân, qua truyền hình thực tế đến mọi ngóc ngách những con hẻm, trên bàn nhậu vỉa hè.
Bolero phổ cập tới mức nó đang bị rơi vào câu chuyện “hát dễ ợt, miễn sao có cảm xúc”.
Hát bolero sẽ không khó, chỉ cần đôi đũa gõ chén làm nhịp và giọng nhừa nhựa nhờ chút bia rượu cũng có thể thành ra một bản bolero mùi mẫn. Và khán giả xem các chương trình biểu diễn, thi thố bolero cũng theo thói quen áp đặt những kiểu mùi mẫn này cho thí sinh, nghệ sĩ biểu diễn. Thực chất mùi mẫn trên bàn nhậu nghe hay hay nhưng không phải là mùi mẫn đúng bolero với chuẩn mực về kỹ thuật biểu diễn. Đó là những cảm xúc khi nghe, hát một ca khúc của người không chuyên nghiệp, còn ca hát chuyên nghiệp không thể dựa vào cảm xúc nhất thời đó.
Trên sóng truyền hình đang diễn ra vòng chung kết Solo cùng Bolero (21 giờ tối thứ Sáu hằng tuần trên kênh THVL1) mùa thứ hai, đây là mùa thi có nhiều giọng ca xuất phát từ các trường lớp thanh nhạc. Và câu chuyện hát bolero như thế nào là hay, chỉ phụ thuộc cảm xúc hay hát phải có kỹ thuật gây ra nhiều tranh cãi trong ban giám khảo lẫn khán giả khi nhận xét phần thi các thí sinh.
Các thí sinh góp mặt trong vòng chung kết ở Solo cùng Bolero có thể chia thành hai “phe”; một phe của thí sinh là dân thanh nhạc, ca hát lâu năm: Hoàng Minh Viễn (ca sĩ Đoàn văn công Đồng Tháp), Nguyễn Thị Thu Hằng (học 12 năm thanh nhạc và nhạc cụ), Tuấn Hoàng (tốt nghiệp thanh nhạc và đang là ca sĩ), Đỗ Hải Hường (tốt nghiệp ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội), Nguyễn Thị Thúy Huyền (con nhà nòi văn nghệ), Tố My (tham gia rất nhiều cuộc thi ca hát)… Phe còn lại là những tay ngang: Nguyễn Văn Sĩ (thợ hồ), Đào Thị Thu Hương (thợ may), Phạm Hoài Linh (kế toán), Mai Trần Lâm (thạc sĩ văn hóa học), Nguyễn Thị Anh Đào (hướng dẫn viên zumba), Trần Thiên Vũ (học sinh)…
Tại chung kết 7 - Solo cùng Bolero, thí sinh Phạm Hoài Linh trình diễn ca khúc Thu ca (Phạm Mạnh Cương) dàn dựng theo phong cách nhạc kịch nhưng điều đó cũng không giúp cô tiếp tục trụ lại ở vòng chung kết của chương trình. Ảnh: BTC cung cấp
Đỉnh cao của kỹ thuật là cảm xúc
Các thí sinh của vòng chung kết Solo cùng Bolero đang bị rơi vào cảnh thí sinh kỹ thuật thanh nhạc vững thì chắc kỹ thuật quá mà thiếu đi cảm xúc, còn những thí sinh không học thanh nhạc bài bản, hát có cảm xúc nhưng phong độ trồi sụt thất thường. Như phần thi của Hoàng Minh Viễn với ca khúc Trên đỉnh mùa đông (Trần Thiện Thanh) đã không làm khán giả và giám khảo hài lòng khi anh còn phụ thuộc kỹ thuật mà thể hiện chưa đúng cảm xúc của bài hát, làm “bay” mất cảm xúc ở người nghe với ca khúc này. Nhiều phần trình diễn của Tố My lại bị cho là quá nhão, thể hiện cảm xúc lại quá bi lụy… Hay ba giọng ca trường lớp: Thu Hằng, Hải Hường, Tuấn Hoàng khi thể hiện lần lượt: Con đường xưa em đi (Châu Kỳ), Cô hàng nước (Vũ Huyến), Gió về miền xuôi (Anh Việt Thu) đều bị nhận xét chưa thể hiện tốt cảm xúc, lạm dụng luyến láy, hay chưa “thấm” cái tình của ca khúc.
Ca sĩ Vi Thảo, một ca sĩ thuộc thế hệ sau nhưng khá thành công với dòng nhạc bolero, cho rằng: “Bản thân tôi khi hát bolero nhiều người cũng nói sao không hát bẹt một chút, não tình hơn một chút… Cảm xúc mỗi người khi thể hiện bài hát có thể riêng, nó nằm ở cái tình, cái ngọt ngào khi thể hiện nhưng nhả chữ phải rõ ràng, đúng phách nhịp. Hát cảm xúc không có nghĩa thích hát dài, hát ngắn lúc nào cũng được. Những ca sĩ thời nay khi hát bolero phải chú ý, khán giả nghe bolero bây giờ mình hát sai người ta biết ngay”.
Nhà báo Minh Đức, người ngồi ghế giám khảo cuộc thi Solo cùng Bolero, khẳng định: “Những người thường nói hát cảm xúc, không cần kỹ thuật là họ hoàn toàn hiểu sai về kỹ thuật ca hát. Ai hát cũng phải có kỹ thuật, đó là điều kiện để phân biệt chuyên nghiệp và nghiệp dư. Không có kỹ thuật nhất định không thể là ca sĩ”.
Giám khảo Minh Đức cũng đưa ra dẫn chứng, những ca sĩ thành danh với bolero như Giao Linh, Phương Dung… là những giọng ca có kỹ thuật siêu phàm. “Đỉnh cao của kỹ thuật là cảm xúc, như nhiều sáng tác của nhạc sĩ Lam Phương nghe thì dân dã nhưng đòi hỏi trình độ thanh nhạc tinh tế bởi nó mang màu thính phòng. Người hát khi thể hiện nhạc Lam Phương mà không biết kỹ thuật kết hợp giữ cao độ để lên bổng xuống trầm thì không thể hát Lam Phương. Hay các sáng tác của nhạc sĩ Trúc Phương có nhiều quãng âm thấp, nếu không biết giữ làn hơi tốt thì cũng không thể hát hay” - giám khảo Minh Đức nói.
Cho thí sinh hiểu ca khúc, nghe ca sĩ khác hát Ngoài kỹ thuật thanh nhạc, cảm xúc lúc biểu diễn thì yếu tố để giúp những ca sĩ bước vào con đường chuyên nghiệp thành công ở bolero là phải hiểu về ca khúc. “Các ca sĩ ngày xưa thành công với bolero bởi họ được người nhạc sĩ trực tiếp tập bài cho. Người nhạc sĩ sẽ nói cho họ vì sao họ viết bài đó, viết hoàn cảnh sao, kể câu chuyện gì… ca sĩ thấm những điều đó mới thể hiện thành công ca khúc. Các ca sĩ đi sau dù có kỹ thuật như thế nào cũng phải buộc tìm hiểu tác phẩm mới mong hát tốt được ca khúc. Bên cạnh phần buộc thí sinh Solo cùng Bolero học kỹ lời, hiểu nghĩa, chúng tôi còn gợi ý cho các bạn tham khảo mỗi ca khúc ca sĩ từng thành danh với ca khúc đó thể hiện ra sao, như danh ca Giao Linh hát sao, danh ca Phương Dung hát sao. Thí sinh hiểu được chuẩn mực các ca sĩ cũ hát sẽ tìm ra được cách hát riêng của mình. Điều đó tốt cho chính ca sĩ đó và xa hơn là bolero vừa có sức sống trẻ trung mà không mất đi hồn cốt vốn có” - giám khảo Minh Đức nói. |