Năm 2015 chuẩn bị kết thúc, báo Nước Nga Ngày Nay đã xác định bốn sự kiện quan trọng về đối ngoại của Nga trong năm 2015 và sẽ tiếp tục giữ vai trò quyết định trong năm 2016.
1. Chiến dịch quân sự của Nga ở Syria
Nga mở chiến dịch không kích tấn công các tổ chức Hồi giáo cực đoan ở Syria vào cuối tháng 9-2015. Nguyên nhân nào Nga quyết định như thế? Đến giờ các nhà quan sát vẫn chưa đồng thuận về câu trả lời.
Các nhà phân tích cho rằng quyết định của Nga xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Đó là:
- Chiến dịch đánh Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng của liên minh do Mỹ đứng đầu không hiệu quả.
- Nga có ý đồ thúc đẩy cục diện đàm phán chính trị mới về Syria.
- Nga lo ngại phương Tây sẽ thiết lập vùng cấm bay trên Syria như đã từng làm ở Libya.
Nga quyết định can thiệp quân sự vào thời điểm quân đội Syria đang thất trận.
Nếu Nga không can thiệp, chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad sẽ thất thủ trước năm mới 2016. Sau đó tình hình hỗn loạn Hồi giáo sẽ diễn ra trên toàn Syria và lan ra đến Afghanistan và Tajikistan là các nước ở sát biên giới Nga.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan chọc tức Tổng thống Nga Putin qua vụ bắn rơi máy bay Su-24 của Nga. Biếm họa của TOM JANSSEN (báo The Netherlands của Hà Lan)
2. Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 Nga
Thổ Nhĩ Kỳ đã được đưa lên hàng đầu trong vấn đề giải quyết khủng hoảng Syria sau khi máy bay Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 của Nga hôm 24-11-2015.
Các nhà chính trị Nga nhận định bối cảnh của vụ bắn rơi máy bay Nga cho thấy đây là hành động chính trị đã sắp đặt sẵn.
Chuyên gia Elena Suponina ở Viện Nghiên cứu chiến lược Nga nhận định Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan muốn thể hiện “cái gọi là bàn tay sắt” để củng cố uy tín.
Chuyên gia Anatoly Kortunov, Giám đốc Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế, nhận định Tổng thống Erdogan muốn chứng minh Ankara không hài lòng với chiến dịch quân sự của Moscow ở Syria vì từ lâu Thổ Nhĩ Kỳ muốn lập vùng cấm bay trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria với lý do bảo vệ người Thổ ở Syria.
Các chuyên gia đều ghi nhận Thổ Nhĩ Kỳ không ngờ Nga phản ứng mạnh mẽ đến thế (cắt đứt quan hệ kinh tế). Dự báo trong tương lai phải mất nhiều năm quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ mới tái lập nhưng cũng chỉ là hòa hoãn chứ tái lập trong khuôn khổ như xưa thì không bao giờ.
Một nạn nhân khác trong mâu thuẫn Nga-Thổ Nhĩ Kỳ là nỗ lực thành lập một liên minh quốc tế chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
3. Thỏa thuận hòa bình Minsk-2
Khi tình hình ở Syria nổi lên, tình hình ở miền Đông Ukraine trở nên thứ yếu. Thật ra khủng hoảng Ukraine là vấn đề trọng tâm của Nga trong phần lớn năm 2015. Năm tới, Nga vẫn tiếp tục xem Ukraine là quan trọng.
Khủng hoảng Ukraine đã được giải quyết với bốn bên (Nga, Pháp, Đức, Ukraine) ký kết thỏa thuận ngừng bắn và rút quân khỏi miền Đông Ukraine ngày 12-2-2015 ở Belarus (còn gọi là thỏa thuận Minsk-2).
Dù đã có thỏa thuận, tình hình chỉ thực sự yên tĩnh vào tháng 9-2015.
Các chuyên gia nhận định kết quả đạt được nhờ Mỹ tham gia và phương Tây gây sức ép với Ukraine.
Sang năm 2016, bầu cử địa phương vào tháng 2 sẽ là thử nghiệm quan trọng về ý chí tôn trọng thỏa thuận Minsk-2 của các bên.
4. Thỏa thuận về hạt nhân Iran
Thỏa thuận lịch sử về chương trình hạt nhân Iran đã được Iran và sáu nước P5+1 (năm nước thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và Đức) ký kết tại Vienna (Áo) đêm 13-7-2015.
Theo thỏa thuận, Iran sẽ hạn chế phát triển hạt nhân để đổi lấy quyết định xóa bỏ cấm vận.
Một số nhà quan sát ngạc nhiên không hiểu vì sao Nga ủng hộ thỏa thuận về hạt nhân Iran vì khi Iran được dỡ bỏ cấm vận, thị trường thế giới mở cửa cho dầu mỏ Iran và tất nhiên ngân sách và xuất khẩu của Nga sẽ giảm.
Thật ra Nga cần Iran vì Iran là đối tác tầm cỡ. Pyotr Topychkanov thuộc Trung tâm Carnegie ở Moscow nhận định Nga có thể hợp tác với Iran về kỹ thuật quân sự cũng như công nghệ hạt nhân dân dụng.
Iran cũng quan trọng đối với Nga về hình thành chính sách xuất khẩu và đối ngoại đa lĩnh vực. Chưa kể Iran và Nga đều tích cực can thiệp vào Syria, cùng ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad.
Các nhà phân tích nhận định chiến dịch quân sự hiện nay của Nga sẽ kéo dài đến tháng 1 sang năm rồi tạm dừng do mùa bão cát đã đến, không quân Nga sẽ khó hoạt động. Chuyên gia Anatoly Kortunov nhận định Nga sẽ sử dụng thời gian nghỉ này để thúc đẩy tình hình chính trị ở Syria. Sau đó tình hình tùy thuộc quan điểm của các nước trong khu vực (các nước vùng Vịnh, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ) và ý chí có thể đạt được thỏa thuận về tương lai chính trị ở Syria hay không. __________________________________ Chúng ta sẽ không đạt được thỏa thuận này nếu không có ý chí của Nga cùng làm việc với chúng ta và các thành viên khác trong nhóm P5+1 để đạt đến một thỏa thuận tốt như thế. Tổng thống BARACK OBAMA |