Hai vấn nạn ở Syria

Nghị quyết 2254 là nghị quyết đầu tiên về lộ trình ngừng bắn ở Syria được 15 nước Hội đồng Bảo an LHQ cùng nhất trí thông qua ngày 18-12 (giờ địa phương). Vì thế báo chí quốc tế hết lời khen ngợi, xem nghị quyết là hy vọng cho nội chiến Syria.

Nghị quyết vạch ra lộ trình quá độ ở Syria với ba mốc chính:

- Từ đầu tháng 1-2016 tổ chức đàm phán giữa phe đối lập với chính phủ Syria và ngừng bắn hoàn toàn.

- Sau sáu tháng sẽ thiết lập bộ máy cầm quyền mới và chuẩn bị hiến pháp mới.

- Sau 18 tháng sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do và công bằng dưới sự giám sát của LHQ.

Tuy nhiên, đài phát thanh Europe 1 (Pháp) nhận định Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an LHQ sẽ không giải quyết được gì hết vì vấp phải hai yếu tố trắc trở.

Đầu tiên, vấn đề then chốt nhất là tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad lại không được nghị quyết đề cập đến.

Ngày 19-12 (giờ địa phương), ông Khaled Khoja, lãnh đạo Liên minh Dân tộc Syria (tổ chức đối lập Syria chủ yếu), nhận xét nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ là không thực tế và đi ngược với kết quả hội nghị mới đây của phe đối lập Syria tại Saudi Arabia.


Lễ Giáng sinh trong bối cảnh chiến tranh ở Trung Đông. Ảnh: OSAMA HAJJAJ (Jordan)

Ông Samir Nachar thuộc hàng lãnh đạo Liên minh Dân tộc Syria nhận định: “Xét thực tế tình hình thực địa và số phận của ông Bashar al-Assad thì nghị quyết hoàn toàn không thể thực thi”.

Chuyên gia Karim Bitar, Giám đốc Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược (Pháp), ghi nhận nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ có nhiều mơ hồ và hậu ý.

Ông nhận xét: “Nếu Nga và Mỹ sẵn sàng đạt đến thỏa thuận bao nhiêu thì các nước lớn thuộc dòng Sunni tiếp tục lo ngại bấy nhiêu vì tình hình nguyên trạng sẽ tiếp tục kéo dài và ông Assad sẽ tiếp tục giữ cương vị trong thời kỳ quá độ quá dài”.

Mỹ thẳng thừng tuyên bố Tổng thống Assad cần phải ra đi. Nga lại khẳng định chỉ có nhân dân Syria mới có quyền quyết định tổng thống của họ ra đi hay không. Iran tuyên bố tiếp tục ủng hộ ông Assad chống các tổ chức đối lập khủng bố.

Vấn đề trở ngại thứ hai có liên quan đến các bên đối thoại trong đàm phán hòa bình ở Syria.

Trong các phe phái chống chính phủ Syria, ai cũng nhất trí loại trừ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng và tổ chức Mặt trận Al Nusra (chi nhánh Al Qaeda ở Syria). Thế nhưng các cường quốc đang bất đồng về vấn đề trong các phe nhóm đối lập còn lại thì ai đủ tư cách ngồi vào bàn đàm phán.

Các nhóm đối lập gọi là “ôn hòa” ngày càng hiếm. Có một nhóm Pháp xem là “đối lập Syria ôn hòa” thì Nga lại cực lực phản đối vì nhóm này liên can đến vụ đánh bom tàu điện ngầm ở Moscow năm 2004.

Trong khi chờ đợi các bên ngồi vào bàn đàm phán, chiến sự vẫn tiếp diễn ở Syria.

Ngày 19-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá Nga vẫn chưa sử dụng hết khả năng quân sự hiện có dù Nga đã sử dụng các loại vũ khí hiện đại nhất ở Syria. Ông khẳng định: “Chúng ta có nhiều phương tiện thêm nữa và chúng ta sẽ sử dụng chúng khi cần thiết”. Hãng tin Sputnik (Nga) đưa tin từ đầu chiến dịch không kích ở Syria ngày 30-9, không quân Nga đã thực hiện hơn 4.200 phi vụ. Riêng máy bay chiến lược (tầm xa) tham gia từ giữa tháng 11 đã thực hiện 145 phi vụ, ném 1.500 quả bom và bắn gần 20 tên lửa hành trình Kalibr.

_________________________________

Tình hình thế giới không dễ dàng. Căng thẳng gia tăng ở Trung Đông cũng như nhiều khu vực khác. Bọn khủng bố tuyên chiến với văn minh, với cộng đồng quốc tế. Hành động của bọn chúng đe dọa trực tiếp đến đất nước chúng ta.

Tổng thống Nga VLADIMIR PUTIN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm