Phấn đấu đến cuối năm 2015 đạt tỷ lệ ít nhất 75% dân số tham gia BHYT và đến năm 2020 tối thiểu có 80% dân số tham gia.
Theo các cơ quan quản lý y tế, thi viện phí được tính đúng tính đủ, người không tham gia BHYT sẽ phải trả giá rất cao.Ảnh: TÙNG SƠN
Để đạt được mục tiêu năm 2015, nhân ngày BHYT, Bộ Y tế đưa ra chủ đề truyền thông: Chung tay thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân nhân ngày 1-7. Thông thông điệp đưa ra là: Vì an sinh xã hội, vì hạnh phúc mỗi nhà, mọi người hãy tham gia BHYT; tham gia BHYT theo hộ gia đình là chia sẻ yêu thương và trách nhiệm chăm lo sức khoẻ; cùng tham gia BHYT là chia sẻ yêu thương, trách nhiệm chăm lo sức khoẻ cho các thành viên hộ gia đình; sức khoẻ cộng đồng gắn liền với BHYT toàn dân; tham gia BHYT là trách nhiệm và quyền lợi của bản thân, gia đình và cộng đồng...
Tuy vậy, theo ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam thì để đạt được các mục tiêu tỉ lệ dân số tham gia BHYT vào năm 2015, 2020 thì còn có bốn khó khăn phải vượt qua. Thứ nhất, hiện còn gần 3,6% (mục tiêu đến năm 2015) và gần 30% (mục tiêu đến năm 2020) người thuộc nhóm đối tượng không thoả mãn hai điều kiện, đó là thách thức lớn: Không có thu nhập ổn định; không được quản lý bởi một tổ chức chặt chẽ. Thứ hai, làm sao duy trì các nhóm đối tượng đã tham gia, hiện có trên 40% doanh nghiệp trốn đóng BHYT. Thứ ba, còn 25% học sinh, sinh viên chưa có BHYT. Thứ tư, vẫn còn trên dưới 50% người cận nghèo chưa tham gia BHYT.
Giải pháp đưa ra là bắt buộc mua theo hộ gia đình vào năm 2016 để quản lý tốt, tăng cường truyền thông, chế tài nếu không tham gia, các tỉnh/thành phố hỗ trợ cho người cận nghèo… Để đảm bảo tính nghiêm minh của Luật BHYT, theo lãnh đạo các cơ quan liên quan thì họ đang bàn thảo hình sự hóa nếu trốn đóng BHYT. Tuy nhiên, BHYT bắt buộc không chỉ là chế tài mà là nâng cao trách nhiệm tham gia BHYT của mọi người. Cơ quan BHXH là đơn vị được kiểm tra việc đóng BHXH cũng sẽ tăng cường việc thanh, kiểm tra việc thực thi pháp luật của các cá nhân, tổ chức ở địa phương về mua BHYT…