Ngày 18-2 (giờ địa phương), Tổng thống Donald Trump tham gia một cuộc mít tinh lớn tại Orlando (bang Florida). Không khí mít tinh sôi động chẳng khác chiến dịch tranh cử lúc ông chạy đua với đối thủ đảng Dân chủ Hillary Clinton hồi năm ngoái.
Một tháng cầm quyền nhiều biến động
Báo chí Mỹ đánh giá cuộc mít tinh ở Florida được tổ chức bởi Tổng thống Donald Trump đã hứng chịu quá nhiều búa rìu dư luận trong một tháng cầm quyền vừa qua.
Tại cuộc họp báo được sắp xếp vội vã hôm 16-2, ông Trump đã trình bày các lập luận hùng hồn để tự bảo vệ như sau:
• Ông khẳng định ông đang kế thừa tình hình lộn xộn từ chính quyền của Tổng thống Obama để lại. Dù vậy, êkíp của ông vẫn đang làm việc trong những điều kiện tốt nhất mặc dù nội các chưa được phê chuẩn.
• Báo New York Times ngày 14-2 khẳng định tình báo Mỹ đã nghe lén được các cuộc điện đàm thường xuyên giữa êkíp tranh cử của ông Trump với các cán bộ tình báo cấp cao Nga trước ngày bầu cử Mỹ. Ông Trump khẳng định đó là “thông tin bịa đặt do báo chí dựng lên”. Ông nhấn mạnh ông không có liên hệ gì với Nga và theo ông biết thì những người thân cận của ông cũng thế.
• Ngày 13-2, Cố vấn An ninh quốc gia Michael Flynn từ chức sau 23 ngày làm việc, sau khi thông tin tình báo rò rỉ cho biết ông này đã trao đổi với đại sứ Nga tại Mỹ về lệnh trừng phạt của Mỹ với Nga. Ông Trump khẳng định vụ rò rỉ là có thật nhưng đó là thông tin giả.
Tổng thống Trump bị xem là “con ngựa thành Troie” của Nga theo biếm họa của Arend Van Dam (Hà Lan).
Còn nhiều vụ lộn xộn khác đã xảy ra trong bốn tuần qua ở Nhà Trắng. Sắc lệnh hạn chế nhập cư được soạn thảo bí mật không qua các kênh pháp lý thông thường, cuối cùng đã bị tòa án ngăn chặn. Ứng cử viên bộ trưởng Lao động Andrew Puzder rút lui vì thuê một phụ nữ giúp việc không đủ giấy tờ và bị vợ cũ tố bạo hành gia đình.
Tính đến ngày 18-2, bộ máy của ông Trump vẫn còn thiếu sáu bộ trưởng (Nội vụ, Nhà ở, Năng lượng, Lao động, Thương mại và Nông nghiệp). Trong khi đó, thông tin từ Nhà Trắng cứ bị rò rỉ đến mức ông Trump phải yêu cầu Bộ Tư pháp điều tra, ví dụ như dự thảo sắc lệnh về hạn chế nhập cư đã được công bố trên báo chí hay nội dung điện đàm giữa ông Trump với tổng thống Mexico và thủ tướng Úc.
Ông Trump sẽ trụ được bao lâu?
Hiện nay, nhiều cuộc điều tra của Quốc hội đang được tiến hành về quan hệ giữa êkíp của ông Trump và Nga, nhất là theo đề nghị của Thượng nghị sĩ John McCain.
Ngày 17-2, Ủy ban Tình báo Thượng viện đã tổ chức một cuộc họp kín do Giám đốc FBI James Comey chủ trì. Cuộc họp được tổ chức đột xuất vì không ai nhận được thông báo trước.
CNN đưa tin vấn đề Nga đã được nêu lên trong cuộc họp kéo dài gần ba tiếng này. Sau cuộc họp, không có thông báo chính thức nào được công bố. Riêng nghị sĩ Marco Rubio viết trên Twitter: “Bây giờ tôi bảo đảm chắc chắn rằng Ủy ban Tình báo mà tôi là thành viên sắp tổ chức một cuộc điều tra sâu rộng bao gồm hai đảng về vấn đề can thiệp và ảnh hưởng của Putin”.
Dù ông Trump phản bác, giả thiết về mối liên hệ giữa ông với Nga có thể dẫn đến vụ tai tiếng còn nghiêm trọng hơn cả vụ Watergate. Báo chí Mỹ đưa tin đã có tin đồn về tiến trình bất tín nhiệm đối với ông Trump trong khi dân chơi chứng khoán đang tính toán khả năng duy trì quyền lực của ông Trump.
Trong bài viết đăng trên trang web History News Network, nhà sử học Mỹ Ronald Feinman đánh giá tháng giữ chức tổng thống đầu tiên của ông Trump là tháng tệ hại nhất của một tổng thống kể từ thời hậu chiến.
Ronald Feinman dự báo Tổng thống Trump sẽ không có cơ hội kết thúc nhiệm kỳ mà sẽ bị bãi nhiệm hoặc từ chức trong thời gian giữa ngày thứ 31 và ngày thứ 199 của nhiệm kỳ hoặc tối đa trước 16 tháng năm ngày.
Trong khi đó, trang web The Atlantic nhận xét cuộc mít tinh lớn tại bang Florida hôm 18-2 chính là cuộc vận động tranh cử của ông Trump chuẩn bị cho nhiệm kỳ tổng thống thứ hai vào năm 2020.
Bang Florida là một trong những bang dao động thường được các ứng cử viên chú trọng chăm sóc. Ngoài ra, thông báo về mít tinh được rao trên trang Twitter riêng của ông Trump chứ không phải trên tài khoản tổng thống.
Thực ra chiến lược “tranh cử thường xuyên” đã được Sidney Blumenthal, nguyên cố vấn Tổng thống Bill Clinton, nêu trong tác phẩm cùng tên xuất bản năm 1980.
Các tổng thống kế tục Bill Clinton đều áp dụng chiến lược này nhưng chỉ có ông Trump tiến hành ngay chiến lược sau khi nhậm chức. Clinton hay Obama còn tìm lý lẽ vận động cải cách này nọ để tổ chức mít tinh trong khi người phát ngôn của ông Trump thẳng thừng thông báo mít tinh ở Florida ngày 18-2 là mít tinh tranh cử.
Ngày 17-2, hàng ngàn người dân Mexico đã đan tay nhau lập thành hàng rào dài khoảng 1,5 km dọc biên giới với Mỹ để phản đối sắc lệnh xây thêm bức tường dọc biên giới của Tổng thống Donald Trump. Cuộc biểu tình do chính quyền các địa phương và các tổ chức dân sự phối hợp tổ chức. Tham gia biểu tình có nhiều học sinh, sinh viên, các nhà chính trị và những người đứng đầu các tổ chức xã hội địa phương. Ông Armando Cabada, Thị trưởng Ciudad Juarez (Mexico), tuyên bố: “Trump làm cho các đồng bào của chúng ta ở Mỹ phải sợ. Chúng ta phải chứng tỏ tình đoàn kết với họ và bày tỏ thái độ ủng hộ họ. Nếu họ bị trục xuất, chúng ta sẽ mở rộng vòng tay đón tiếp họ”. Ông Oscar Leeser, Thị trưởng TP El Paso (Mỹ) đối diện với Ciudad Juarez, khẳng định: “Ciudad Juarez và El Paso là một TP duy nhất. Chúng ta sẽ không bao giờ bị chia cắt”. |