Giữa lúc bóng đá Việt Nam sôi sùng sục sau khi tuyển Việt Nam thua Thái Lan 0-3 thì nhìn lại toàn Đông Nam Á, từ Malaysia, Singapore đến Việt Nam cứ như mất phương hướng. Duy nhất chỉ có Thái Lan là có định hướng và tìm được lối thoát.
Sau khi ồ ạt nhập tịch cầu thủ để làm nên ba trong bốn chức vô địch Đông Nam Á, Singapore đã thôi không theo trào lưu nhập tịch nữa. Và kết quả tuyển Singapore bị loại ngay sau vòng bảng AFF Cup 2014, rồi U-23 cũng tương tự tại SEA Games 28.
Malaysia hơn hai thập niên “say máu” với thầy ngoại qua tổng cộng 17 HLV nước ngoài chẳng đem về ngôi vô địch nào thì sự xuất hiện của hai thầy nội Rajagobal và Ong Kim Swee mang về hai ngôi vô địch SEA Games và AFF Cup… Sau đó thì bóng đá Malaysia cũng lại chìm sâu vào khủng hoảng…
Hoạt động hội cổ động viên tại CLB Muangthong của Thái Lan. Ảnh: BANGKOK POST
Nhìn chung ba nền bóng đá lớn Đông Nam Á gồm Việt Nam, Singapore và Malaysia có điểm chung là giải vô địch quá èo uột. V-League lúc thì 14 đội, lúc 13 đội, giải hạng nhất thì có khi tám đội, có khi 10 đội… và chẳng giống ai theo cơ cấu giải quốc gia. Tương tự giải vô địch Singapore (S-League) thì có 10 đội, không có đội xuống hạng. Giải vô địch Malaysia (MSL) cũng 10 đội với chất lượng các trận đấu không cao. Những trận đấu S-League hầu hết khán giả trên sân ít hơn cầu thủ và quan chức. Còn V- League và chất lượng của nó thì bị cản trở bởi cầu thủ đá không thật qua nhiều trận tai tiếng, bán độ…
Cả Malaysia, Singapore và Việt Nam đều cứ loay hoay không có lối ra. Một giải vô địch quốc gia quá kém nhưng cứ đòi đội tuyển quốc gia phải đạt chất lượng cao là vô lý. Song song đó là công tác đào tạo trẻ cũng không được chú trọng…
Cả Singapore, Malaysia và Việt Nam đều có điểm giống nhau ở chỗ khi loay hoay thì lại cầu cứu các LĐBĐ bạn. LĐBĐ Singapore cũng cầu cứu bóng đá Nhật, tương tự là Malaysia cũng nhờ các chuyên gia Nhật và Việt Nam cũng thế.
Nhưng người Thái thì ngược lại khi quan niệm phải tự mình cứu mình. Đó là trước năm 2007, người Thái đã nhìn ra phiên bản lỗi ở Thai-League cùng hình ảnh cầu thủ Thái Lan bỏ hết sang Việt Nam thi đấu thì các quan chức LĐBĐ Thái Lan bèn đi tìm cách cứu mình. Người đi đầu là Tổng thư ký Ong Art Kosingkha đã bỏ chiếc ghế quan chức và tình nguyện sang Anh học bóng đá chuyên nghiệp tại Premier League rồi quay về xây dựng lại Thai-League với phiên bản 2.0.
Trong phiên bản mới của Thai-League, ông chú trọng yếu tố CLB không chỉ từ việc kiếm tiền nuôi đội mà còn cả phần nền tảng đào tạo trẻ lẫn hoạt động của Hội CĐV.
Thai-League 2.0 thu hút được yếu tố màu cờ sắc áo và quan trọng nhất là tính chuyên nghiệp thực thụ của một CLB từ chất lượng mặt sân đến những ngày hội bóng đá thực sự với công nghệ giải trí cao vào mỗi cuối tuần. Họ học từ người Anh đã khai thác Premier League nhưng phù hợp với bóng đá Thái và con người Thái.
Trong bản báo cáo tổng kết giữa mùa Thai-League 2015, ông Ong Art Kosingkha cho biết các CLB Thai-League đã có lãi ròng chiếm một nửa doanh thu toàn CLB. Kế hoạch mùa tới của mỗi CLB là mở rộng sân của mình lên vài chục ngàn chỗ ngồi thay vì 8.000-10.000 như hầu hết hiện nay.
Và đội tuyển Thái Lan đã dựa trên cái nền đấy để hình thành một đội tuyển mạnh. Nó hoàn toàn khác hẳn với nhiều nước Đông Nam Á cứ để giải vô địch èo uột rồi hô biến cho đội tuyển mạnh theo kiểu “nhồi nhét”.
Cứ so sánh V-League và Thai-League thì sẽ hiểu vì sao mà đội tuyển Việt Nam lại thua đậm Thái Lan.