Trong cách phê phán và đòi phải “làm gỏi” đội Thái Lan sau khi hòa Iraq của tuyển Việt Nam có điều gì đó bất ổn. Cách phê phán HLV Miura suy cho cùng cũng chỉ nhìn nhận vấn đề theo kiểu “ăn xổi ở thì”.
Mỗi cá nhân trên sân của chúng ta đều thua mỗi cầu thủ Thái Lan, chưa nói đến ý thức chiến thuật, sức mạnh và mọi thứ khác Thái Lan đều trên cơ. Bản thân HLV Kiatisak cũng hiểu tuyển Việt Nam gấp nhiều lần so với HLV Miura hiểu về đội tuyển Thái Lan.
Chỉ nói con người không thôi thì trước trận đối đầu Thái Lan đã hơn đối thủ Việt Nam rất nhiều. Vấn đề quan trọng là cả một nền bóng đá. Với bóng đá Thái Lan, họ mất ngôi vương vào tay Singapore kể từ AFF Cup 2004 thì người Thái đã không còn tin tuyệt đối vào ngôi vương ở “ao làng” Đông Nam Á. Họ chấp nhận điều chỉnh lại với phần gốc từ giải vô địch quốc gia (Thai-League). Đó là sự thay máu triệt để về cách làm của mỗi CLB được dẫn dắt bởi LĐBĐ Thái và Công ty Thai-League. Và đến nay ngôi vương Đông Nam Á đã trở lại với họ. Cùng với đó là dấu hiệu tiến tới đẳng cấp châu lục.
Không chỉ thua về con người mà là thua của một nền bóng đá. Ảnh: QUANG THẮNG
Có ai biết được rằng hai ngôi sao phòng ngự xuất sắc làm nên ba bàn thắng cho tuyển Thái Lan gồm Bunmathan và Proekrit đến từ CLB Buriram và Chonburi là hai CLB thường xuyên đá AFC Champions League. Nơi mà người Thái cho là mặt trận để nở mặt nở mày thì ta tham dự cho có lệ rồi lấy đội hình hai mà đá bỏ rồi về lo sát phạt nhau ở V-League.
Xem những trận Buriram đá với các CLB vô địch Nhật, Hàn Quốc mới thấy được đẳng cấp của Bunmathan trưởng thành từ một CLB của Thái Lan. Chưa kể nhiều trụ cột khác của Thái Lan đến từ Muangthong, Buriram, Chonburi… đã góp vào đội tuyển quốc gia những cầu thủ dày dạn kinh nghiệm chinh chiến đấu trường châu lục. Còn với tuyển Việt Nam có bao nhiêu cầu thủ thường xuyên đá Champions League để trui rèn bản lĩnh và nâng cao trình độ?
Nói về ở cơ cấu CLB tất cả CLB Thái Lan đá Thai-League đều có đội ngũ chuyên gia dinh dưỡng, đội ngũ bác sĩ, chuyên gia thể lực, tâm lý… Điều này giúp cầu thủ rất lớn trong bóng đá hiện đại. Còn với cầu thủ Việt Nam và cả đội tuyển Việt Nam thì sao? Hoàn toàn thua trắng mảng này.
Nhiều người cứ ca ngợi Kiatisak nhưng không chịu nhìn vào bộ máy ban huấn luyện mà Kiatisak được đội ngũ giúp việc quá chuyên nghiệp, trong đó có cả các chuyên gia thể lực người Đức luôn bên cạnh ban huấn luyện. Hoàn toàn khác hẳn với ông Miura phải lo tất tần tật mọi thứ.
Tuyển Việt Nam thua Thái Lan trong trận đấu đêm 13-10 là tổng hợp một cái thua của hai nền bóng đá chứ không phải đơn thuần là một trận đấu mà ở đó cầu thủ Thái Lan hơn đồng nghiệp Việt Nam mọi mặt.
Một nền bóng đá ì ạch ngay từ khâu tuyển chọn HLV phải dựa dẫm và lệ thuộc nhà tài trợ, còn V-League thì lừa dối khán giả và các CLB đá kiểu “tình thương mến thương” thì làm sao có được một đội tuyển mạnh và bài bản.
Phê phán HLV Miura chỉ là một hiện tượng, còn thua người Thái và sợ người Thái thì cần phải nhìn vào sự điều hành của một nền bóng đá làm ngắt ngọn như ông Riedl từng nói là “xây nhà từ nóc”.
Tính ra người Thái cũng lầm đường lạc lối hơn một thập niên kể từ khi họ mất ngôi vô địch Đông Nam Á vào tay Singapore năm 2004 nhưng quan trọng là sau đó họ nhìn nhận ra và cải tổ toàn diện. Ta thì vô địch AFF Cup 2008 xong lại nghĩ mình là ông vua của Đông Nam Á để rồi trượt dài.
Hãy nhìn sâu vào và nếu phê phán thì phê phán cả một nền bóng đá Việt Nam quá lạc hậu so với Thái Lan chứ “đánh” vào một ông Miura thì chẳng giải quyết được gì.