Tuần qua, bóng đá Đông Nam Á ồn ào quanh chuyện Malaysia phát đi thông báo chủ nhà được ưu tiên không phải bốc thăm mà được chọn bảng khi kết quả đã ngã ngũ với 10 đội đến tham dự. Lập tức nhiều quốc gia trong khu vực lên tiếng về sự bất hợp lý này bởi đặc quyền dành cho chủ nhà quá lớn bên cạnh yếu tố sân nhà.
Cũng cần biết SEA Games 2001 tại Malaysia, quốc gia này từng tác động rất lớn đến việc biến sân chơi của các đội tuyển quốc gia trở thành sàn đấu của những cầu thủ U-23 vì khi đấy Malaysia có một đội tuyển rất yếu nhưng lại có lứa U-23 tương đối mạnh. Và khi Hội đồng SEA Games thông qua môn bóng đá nam rút xuống còn U-23 thì Malaysia giải đấy đã vào đến tận chung kết và thua Thái Lan, khác hẳn với những SEA Games trước đó ở cấp đội tuyển Thái Lan liên tục bị loại và trở thành kẻ chầu rìa ở bán kết.
Trước sự cố chủ nhà không qua bốc thăm mà được “nhảy dù” vào bảng mình muốn sau khi các đối thủ đã an bài với lá thăm, Malaysia từng tác động đến AFF về việc rút tuổi tham dự SEA Games xuống U-21 nhưng may là các quốc gia làm quá nên AFF và Ủy ban Olympic Đông Nam Á không chấp thuận.
Bóng đá Malaysia đang làm đủ mọi cách để hưởng lợi và để có thành tích cao tại SEA Games 29 trên đất Malaysia. Ảnh: QUANG THẮNG
Thực tế thì chuyện gian lận, tạo lợi thế cho chủ nhà đã là căn bệnh khó chữa ở Đông Nam Á trong mỗi kỳ đại hội thể thao khu vực. SEA Games 18 tại Chiang Mai (Thái Lan) năm 1995 không hiếm cảnh nhiều đoàn thể thao các quốc gia khác ngồi đồng vì bất mãn với tinh thần phi thể thao của chủ nhà nhằm gom huy chương, đặc biệt trong các môn võ. Sang đến SEA Games 19 tại Jakarta, Indonesia bị các quốc gia còn lại chỉ trích đưa nhiều môn võ không giống ai vào và bớt đi nhiều môn thế mạnh của các nước khác để tạo lợi thế cho mình vô địch toàn đoàn… Cứ thế, SEA Games ở quốc gia nào thì quốc gia đó tính toán và bóp méo tinh thần thể thao Đông Nam Á.
Tôi còn nhớ năm 2001, trong đêm bế mạc, khi thể thao Việt Nam nhận cờ đăng cai SEA Games 2003 thì phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam sau đó ngồi chia sẻ rất thật với tôi và cố nhà báo Đỗ Hóa ngay tại Kuala Lumpur: “Có lên nhận cờ đăng cai mới thấy các đoàn họ nhìn mình với ánh mắt đầy thân thiện cứ như ai cũng muốn làm bạn mình. Cái ao làng Đông Nam Á cứ ai đăng cai SEA Games người đó làm vua nên họ nhìn mình cứ như cầu khẩn theo kiểu “SEA Games ở nước của anh, anh đừng bóp tụi em nhé!”. Thú thật là tôi cũng đang nghĩ đến làm sao để SEA Games không mắc bệnh ao làng nữa…”.
Hai năm sau Việt Nam đăng cai SEA Games. Tuy ít bị ca thán về công tác trọng tài nhưng rõ ràng có những nội dung thế mạnh của các quốc gia khác bị bỏ đi và riêng môn lặn cùng những môn võ của Việt Nam được đưa vào chiếm đến vài chục bộ huy chương cũng làm nhiều quốc gia khó chịu.
Hoặc như Tiger Cup 1998 do Việt Nam đăng cai, chủ nhà cũng bị các đội bóng lên tiếng rất mạnh về điều lệ không giống ai nhưng AFF cũng thông qua. Đó là hai đội nhất bảng phải di chuyển đá bán kết, còn hai đội nhì bảng thì hưởng lợi ở tại Hà Nội và TP.HCM chờ đối thủ di chuyển đến.
Nay thì đến lượt bóng đá SEA Games bị lấn sâu bởi những trò thiếu fair play ở ao làng và những quốc gia khác lại lên án về điều đấy.
Căn bệnh ao làng ở đại hội thể thao khu vực đến bao giờ mới chấm dứt để vùng trũng thoát bệnh thành tích bằng những tiểu xảo và kiểu chèn ép đối thủ để mình ngoi lên?
Cũng cần biết là hồi SEA Games 2003, giới thể thao Việt Nam từng dự kiến thực hiện một SEA Games “sạch” để thay đổi nhưng cuối cùng vẫn phải chạy theo thành tích như các quốc gia từng đăng cai.
Sau này thì chính những nhà làm thể thao Việt Nam thừa nhận mình có “đặc quyền” khi đăng cai SEA Games nhưng không “ứng dụng” thì các quốc gia khác họ bảo mình ngu (!?). Và rõ ràng SEA Games 2003 tại Hà Nội và TP.HCM, lần đầu thể thao Việt Nam lên vị trí số một Đông Nam Á, bỏ rất xa các đoàn còn lại nhờ rừng huy chương ở những môn lần đầu đưa vào SEA Games cũng là thế mạnh của ta. |