Bóng đá TP.HCM từng là cái nôi của bóng đá cả nước khi có đến ba đội mạnh và đội tuyển quốc gia có hơn nửa đội hình là cầu thủ TP.HCM. Hồi đó cứ mỗi lần vào giải vô địch quốc gia, lãnh đạo Sở TDTT cứ phải triệu tập lãnh đạo ba đội bóng lại và khuyên nhủ “Nhìn nhau mà đá!”.
Từ đỉnh xuống đáy
Đỉnh cao của bóng đá TP.HCM là những năm 1990 với sự phát triển của LĐBĐ TP.HCM nhiệm kỳ I. Những năm mà Cảng Sài Gòn (CSG), Hải quan, CA TP.HCM thay nhau vô địch trong đó có năm ba đội đoạt ba chức vô địch lớn nhất trong năm (vô địch quốc gia, Cúp Quốc gia và Dunhill Cup). Đó là thời kỳ nhiều địa phương phải cử phái đoàn đến học hỏi bóng đá TP.HCM làm công tác đào tạo trẻ và phát triển mô hình LĐBĐ địa phương theo đúng nghĩa xã hội hóa. Đó cũng là những năm mà LĐBĐ VN phải học theo mô hình LĐBĐ TP.HCM qua việc “chuyển” văn phòng hoạt động chính vào sân Thống Nhất để giao dịch và quan hệ quốc tế…
Sang giai đoạn lên chuyên nghiệp thì bóng đá TP.HCM rơi rụng dần. Hải quan giải thể sớm khi cơ quan chủ quản ngày càng nặng gánh với khoản tiền lớn hằng năm để nuôi và duy trì đội bóng. CSG sau lần vô địch năm 2002 thì mùa giải sau xuống hạng. CA TP.HCM cũng không theo được cơ chế chuyên nghiệp và cũng giải tán…
Cái tên được xem là biểu tượng của bóng đá Sài Gòn là CSG lây lất với cơ chế mới, phải nhập đầu doanh nghiệp vào để tồn tại. Cái gốc CSG được giữ với điều kiện phải ghép cái đầu và cũng là cái hồn Thép miền Nam vào. bước quyết định đầy mạnh mẽ của lãnh đạo bóng đá TP.HCM là đổi tên đội bóng là CLB TP.HCM với mong muốn đội bóng của TP.HCM thì các doanh nghiệp của TP sẽ hết mình, hết lòng hỗ trợ với tiêu chí người TP.HCM làm bóng đá TP.HCM. kế hoạch trên dù “mở hàng” rất rình rang nhưng lại thất bại khi bắt tay vào làm. Người hâm mộ vẫn không quên được những cái tên đi vào truyền thống trong khi cách làm của CLB TP.HCM lại là xóa đi làm lại.
Bóng đá TP.HCM về đích sớm với ngôi vô địch và thăng hạng chuyên nghiệp. Ảnh: XUÂN HUY
Làm lại từ đầu và trở về mái nhà xưa
Mùa 2016, lãnh đạo LĐBĐ TP.HCM đến ban huấn luyện đội công khai nêu mục tiêu lên hạng chuyên nghiệp.
Ngay vòng đấu khai mạc, TP.HCM hòa 1-1 đội “nhẹ ký” Tây Ninh làm nhiều lãnh đạo tái mặt. Sau trận đi sân khách thắng oanh liệt Cà Mau 3-0, đội về lại sân Thống Nhất và thua Viettel 0-2. Tiếp đến không thể thắng Nam Định cũng trên sân Thống Nhất… ba trận sân nhà chỉ có được 2 điểm, còn đi sân khách hai trận thì lấy trọn 6 điểm, thầy trò HLV Lư Đình Tuấn từng bị nghi ngờ là “khôn nhà dại chợ”.
Mọi việc được chấn chỉnh sau nửa giai đoạn lượt đi cùng một chút thay đổi từ lãnh đạo đội xin cho đội bóng trước mỗi trận trên sân nhà được ở khách sạn Đệ Nhất thay vì nhà tập thể ở khán đài B… Từ đó CLB TP.HCM thẳng tiến với những trận đấu trên cả sân nhà lẫn sân khách. Họ chính thức vô địch sớm ba vòng đấu sau trận hòa Viettel trên sân khách nhờ hơn 9 điểm và hơn cả về chỉ số phụ.
Chiều nay, trên sân Thống Nhất, cùng với trận tiếp Cà Mau sẽ là ngày hội trao cúp vô địch cho CLB TP.HCM, cũng là cột mốc đánh dấu ngày trở lại chuyên nghiệp của đội bóng này.
Bóng đá TP.HCM mùa 2017 sẽ có hai đội chuyên nghiệp: Sài Gòn và TP.HCM. Dù cùng là bóng đá của một địa phương mỗi đội lại có một giá trị lịch sử và nguồn gốc khác nhau. Nếu Sài Gòn là tiền thân của đội Hà Nội chuyển vào và đang làm quen với khán giải Sài Gòn thì TP.HCM là đội bóng được xây dựng từ con người và giá trị của bóng đá TP.HCM trải qua nhiều thăng trầm. |