Sau canh bạc World Cup cùng HLV Troussier, bóng đá Việt Nam (VN) một lần nữa lại đứng trước những đắn đo trong việc chọn thầy ngoại và thậm chí là chọn lại định hướng cho mục tiêu gần. Vấn đề ở đây không phải là thầy châu Âu hay châu Á nữa mà là thầy nào phù hợp và thầy nào tạo được niềm tin.
(st) Nhìn lại lịch sử chọn thầy ngoại
Từ khi bóng đá VN lần đầu tìm đến thầy ngoại là HLV Tavares năm 1995 đến nay có thể nói thành công nhất trong các đời thầy ngoại là HLV Park Hang-seo. Đó cũng là HLV có “nhiệm kỳ” hơn 5 năm gắn bó nhưng đã gặt hái cho bóng đá VN nhiều thành tựu nhất. Xét trên nhiều đời HLV ngoại thì HLV Park Hang-seo là người hiếm hoi được bóng đá VN chọn lựa mà ít phải trải qua “xét duyệt” phức tạp hay tư vấn từ Hội đồng HLV VN.
Vì sao lại có sự tréo ngoe như thế?
HLV Tavares, Colin Murphy, Riedl… là do đối tác Strata tư vấn; ông Weigang là người Đức từng dẫn dắt đội tuyển miền Nam VN thành công những năm 1966; còn lại là các HLV được chọn lựa từ góp ý và tư vấn của Hội đồng HLV VN.
Nó hoàn toàn khác hẳn với việc chọn HLV Park Hang-seo là do bầu Đức khi ấy còn là Phó Chủ tịch VFF vì bực với cách làm của VFF đã từ VN sang Hàn Quốc dùng mối quan hệ của HAGL và chọn thầy mà chẳng cần trải qua Hội đồng nào. Kết quả là ông Park Hang-seo rơi vào đúng thời điểm của một HLV kết hợp tốt các tài năng ở một thế hệ “chín” của bóng đá VN và tạo nên nhiều dấu ấn.
Nói bầu Đức giỏi trong việc chọn HLV ngoại thì không hẳn nhưng nói ông bầu này thực tế khi chọn một “ông giáo” tận tụy biết khai thác những tiềm năng có sẵn của bóng đá VN thì đúng hơn.
Sau ông Park, bóng đá VN chọn thầy theo tiêu chí nổi tiếng, từng thành công ở châu Á nhất là bóng đá trẻ đồng thời cũng là người có nhiều kinh nghiệm săn vé World Cup ở nhiều đội bóng, nhiều châu lục khác nhau như HLV Troussier. Thế nhưng ông Troussier sau nhiều thất bại cùng cấp độ đội tuyển và U-23 VN đã buộc phải chấm dứt sớm hợp đồng vì không phù hợp.
Chưa có những báo cáo về trách nhiệm của những người chọn HLV ngoại nhưng điều thấy rõ nhất là ông Troussier không thức thời với bóng đá VN dù khi nhận đội tuyển VN, ông thầy người Pháp và VFF có cùng quan điểm là hướng đến tương lai và xây dựng một lối chơi hiện đại.
(st) VFF không kiên nhẫn khi thành tích đi xuống và dư luận lên án
VFF sau khi no nê với thành tích thời HLV Park Hang-seo đã không giữ được HLV người Hàn Quốc, không phải vì mức lương sau khi thương thảo để tiếp tục tái ký mà vì hai bên không đồng thuận với những điều khoản mà ông Park chỉ muốn ký từng năm còn VFF thì muốn lâu dài hơn gắn với những mốc mục tiêu cụ thể.
Ông Park có cái lý của mình với đề nghị hợp đồng từng năm bởi một thế hệ đã ở bên kia phần đỉnh trong khi tuyến kế thừa thì ông Park nhìn rõ sự hụt hẫng. VFF thì muốn có những mục tiêu với điểm rơi xa hơn là World Cup hay thành tích tốt ở châu Á.
Nếu không hiểu bóng đá VN thì chắc chắn ông Park sẽ không chọn hợp đồng từng năm và nếu không hiểu ông Park thì VFF cũng không bao giờ muốn tìm một HLV mới với lối chơi hiện đại hơn và có những quan điểm đi ngược với ông Park Hang-seo trong suốt hơn 5 năm ông gắn với bóng đá VN.
Sau thất bại của ông Troussier, nói VFF không kiên nhẫn khi bị dư luận lên án chỉ đúng một phần, phần còn lại là điều rất ít ai dám thừa nhận, đó là chất lượng V-League và chất lượng của các CLB sau thế hệ 9X lứa HAGL, lứa CLB Hà Nội, lứa PVF đầu tư rất kỹ và mang tính cạnh tranh tích cực.
HAGL sau lứa Công Phượng, Tuấn Anh… rõ ràng không có lứa nào chất lượng và được quan tâm như khóa I. Hà Nội sau lứa Quang Hải gặt sớm, bầu Hiển đã giãn ra phần đầu tư cho bóng đá. PVF thì đổi chủ khiến lứa cầu thủ mới cũng bị ảnh hưởng. Và ông Troussier giống như một HLV gồng lấy lối chơi hiện đại nhưng con người thì không phù hợp.
Bây giờ thì VFF hốt hoảng sau giấc mơ World Cup gãy cánh và bắt đầu quay lại với HLV người Hàn Quốc mà cụ thể là ông Kim Sang-sik.
Người hâm mộ và giới chuyên môn lại có dịp bàn sâu về HLV châu Âu hay châu Á, Hàn Quốc hay Nhật Bản nhưng cái chính là phần bột để gột nên hồ thì lại là nền tảng của một nền bóng đá.
Hồi hộp mỗi khi chọn thầy ngoại nằm ở chỗ bóng đá VN có gì cho thầy ngoại nhưng vế này lại rất ít khi được đào xới một cách tử tế và thận trọng.