Bỗng dưng bị yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự

(PLO)- Một người dân ở TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) bỗng dưng bị anh ruột yêu cầu tòa án tuyên bố mình mất năng lực hành vi dân sự.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mấy hôm nay, ông Nguyễn Đức Thịnh (51 tuổi, ngụ xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) rất lo lắng khi hay tin anh ruột là ông Nguyễn Hải Hà (65 tuổi, ngụ xã Lộc Châu) yêu cầu tòa án tuyên bố mình là người mất năng lực hành vi dân sự.

Sau khi gửi đơn ngăn chặn thì “gặp chuyện”

Trước đó, TAND huyện Tân Phú (Đồng Nai) đã có thông báo về việc chuyển đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự đến TAND TP Bảo Lộc liên quan đến việc ông Hà yêu cầu tòa này tuyên ông Thịnh là người mất năng lực hành vi dân sự.

Theo đó, xét thấy người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Thịnh có nơi cư trú tại TP Bảo Lộc nên TAND huyện Tân Phú đã chuyển đơn khởi kiện của ông Hà cùng tài liệu, chứng cứ kèm theo đến TAND TP Bảo Lộc để giải quyết theo quy định của pháp luật.

p7_anh_bai_bao-loc_binh-ngo.jpg
Đang là người bình thường, tỉnh táo, ông Nguyễn Đức Thịnh bị anh ruột yêu cầu tòa án tuyên bố ông mất năng lực hành vi dân sự. Ảnh: VÕ TÙNG

Ông Hà là người mà Pháp Luật TP.HCM từng đề cập. Theo đó, nhà ông Hà có xích chân, nhốt ba phụ nữ là bà Nguyễn Thị Tuyết, bà Nguyễn Thị Hoa và bà Nguyễn Thị Mai. Cả ba người đều là em cùng cha khác mẹ với ông Hà, ông Nguyễn Đức Song và ông Thịnh, đồng thời cả ba đều đã bị TAND huyện Tân Phú (Đồng Nai) tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.

Trao đổi với PV, ông Thịnh kể việc ông bị anh ruột mình yêu cầu tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự có thể liên quan đến vấn đề đất đai.

“Cha mẹ tôi có di chúc để lại miếng đất ở huyện Tân Phú (Đồng Nai) cho ba người em gái bị bệnh tâm thần là Tuyết, Hoa và Mai. Sau đó, bà Tuyết có đơn đề nghị chính quyền cấp giấy chứng nhận miếng đất ấy cho riêng mình. Việc đề nghị cấp giấy chứng nhận này thực chất là do ông Hà thực hiện nên tôi mới gửi đơn đề nghị ngăn chặn đến UBND xã Phú Xuân (huyện Tân Phú, Đồng Nai)” - ông Thịnh kể.

Trong một cuộc trao đổi với PV qua điện thoại, ông Hà cũng thừa nhận lý do ông có đơn yêu cầu tòa án tuyên bố ông Thịnh mất năng lực hành vi dân sự là do ông Thịnh có đơn ngăn chặn việc đề nghị cấp giấy chứng nhận cho bà Tuyết.

tranh chấp quyền giám hộ ba người em tội nghiệp

Liên quan đến vụ việc này, hiện ông Hà còn khởi kiện ra TAND TP Bảo Lộc yêu cầu tòa chỉ định cho mình là người giám hộ duy nhất cho ba em gái bị bệnh tâm thần nói trên. Cả ba người vẫn đang do ông Hà nuôi trong một căn nhà tại TP Bảo Lộc, sau khi chính quyền TP Bảo Lộc đến kiểm tra từ phản ánh của PV Pháp Luật TP.HCM. TAND TP Bảo Lộc đã thụ lý vụ án này.

Ông Hà thừa nhận lý do ông có đơn yêu cầu tòa án tuyên bố ông Thịnh mất năng lực hành vi dân sự là do ông Thịnh có đơn ngăn chặn việc đề nghị cấp giấy chứng nhận cho bà Tuyết.

IMG_9015.JPG
“Cả ba mảnh rẫy rộng hơn 1 ha đều do một tay anh Thịnh trồng trọt, chăm sóc và thu hoạch. Nói anh ấy mất năng lực hành vi dân sự thì vô lý quá!” - bà Nguyễn Thị Hồng Xuân, vợ ông Thịnh bức xúc. Ảnh: VÕ TÙNG

Tại buổi đối chất giữa ông Hà, ông Nguyễn Đức Song và ông Thịnh, ông Hà vẫn giữ yêu cầu tòa án chỉ định cho ông được giám hộ cho ba em gái. Trong khi đó, cả ông Song và ông Thịnh đều yêu cầu tòa án chỉ định ông Thịnh là người giám hộ, ông Song là người giám sát việc giám hộ. Hiện tòa vẫn chưa có phán quyết về vụ này.

Theo luật sư (LS) Trần Cao Đại Kỳ Quân, trong câu chuyện này có hai vấn đề cần xem xét, đánh giá. Một là việc ông Nguyễn Hải Hà có đơn yêu cầu tòa tuyên ông Nguyễn Đức Thịnh mất năng lực hành vi dân sự (căn cứ theo Thông báo số 55 của TAND huyện Tân Phú, Đồng Nai). Đây là quyền của ông Hà theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để tòa án có thể tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì cần phải có kết quả giám định của cơ quan chuyên môn.

“Thực tế qua tiếp xúc, trao đổi và làm việc với ông Thịnh, tôi nhận thấy ông hoàn toàn bình thường; ông luôn tỏ ra tỉnh táo và minh mẫn khi trả lời tôi về tất cả vấn đề liên quan. Ở việc thứ hai là ông Hà yêu cầu TAND TP Bảo Lộc chỉ định ông là người giám hộ cho ba em gái, tôi tin với các tài liệu, chứng cứ mà tôi được biết, tòa án sẽ có phán quyết thấu tình, đạt lý” - LS Quân nhận xét.

“Nói chồng tôi mất năng lực hành vi dân sự là rất vô lý!”

Sau khi nghe câu chuyện đầy thương cảm của ông Nguyễn Đức Thịnh cùng ba em gái bị bệnh tâm thần, LS Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn LS tỉnh Đồng Nai) đã nhận bảo vệ quyền và lợi ích miễn phí cho ông Thịnh, cũng gián tiếp bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho ba em gái của ông Thịnh.

Sáng 14-9, PV theo chân LS Quân đến nhà ông Thịnh ở xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng. Lúc này, ông Thịnh đang khởi động máy nổ để xay cà phê lấy nhân đem bán.

Để “kiểm tra” ông Thịnh có… vấn đề gì hay không, chúng tôi cố tình hỏi nhiều về kỹ thuật trồng cà phê cũng như các công đoạn bóc tách để lấy hạt cà phê nhân. Tất cả câu hỏi đều được người nông dân này trả lời rành rẽ, đúng trọng tâm, như một người chuyên trồng cà phê thứ thiệt.

Bà Nguyễn Thị Hồng Xuân (vợ ông Thịnh) cho biết hai vợ chồng bà có ba người con, cháu đầu học cấp III, cháu nhỏ nhất đang học mẫu giáo. Ông Thịnh là lao động chính trong gia đình. “Cả ba mảnh rẫy rộng hơn 1 ha đều do một tay anh Thịnh trồng trọt, chăm sóc và thu hoạch. Nói anh ấy mất năng lực hành vi dân sự thì vô lý quá!” - bà Xuân bức xúc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm