‘Bỗng là F0, đừng nghĩ mình là tội đồ’

Theo đánh giá của Bộ Y tế, chủng virus lây lần này có khả năng nhân lên nhanh và khả năng phát tán mầm bệnh rất rộng, lây trong không gian hẹp và kể cả lây trong không khí.

Ở TP.HCM, từ ngày 27-4 đến, nơi đây đã phát hiện 8 ca bệnh. Trong đó, chùm ca bệnh từ nữ chủ quán bánh canh ở quận 3 vẫn chưa rõ nguồn lây. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Nguyễn Trí Dũng khuyến cáo người dân cảnh giác cao độ vì trong cộng đồng “ai cũng có thể là F0” vì nguy cơ cao mầm bệnh đang tiềm ẩn, lẩn khuất trong cộng đồng mà chưa được phát hiện.

Do, đó BS Dũng khuyên người dân cần thực hiện tốt khuyến cáo 5K, khai báo y tế trung thực. 

“Bạn không thể biết được trong những người mà mình tiếp xúc có ai đang mang virus mà không thể hiện triệu chứng ra ngoài”, BS Dũng nói.

“Nếu bạn không may là F0, bình tĩnh và hết sức bình tĩnh”, BS Trương Hữu Khanh, chuyên Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 khuyên người dân cần hết sức bình tĩnh.

Trong bối cánh dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp, ai cũng có thể là F0. Ảnh: Nguyệt Nhi 

Theo BS Khanh, khi mắc COVID-19, chắc chắn ai cũng rơi vào tâm trạng lo lắng cho gia đình, người thân, sợ những người đã từng tiếp xúc với mình bị lây nhiễm. Bản thân ông cũng có chung tâm trạng sợ làm phiền và lo lắng cho người khác nếu chẳng may mình là nguồn lây. Tuy nhiên, mọi việc cũng đã xảy ra rồi, việc cần thiết nhất khi mắc bệnh là người bệnh nên phối hợp thật tốt với cơ quan chức năng để giúp việc truy vết càng sớm càng tốt, cố gắng nhớ lại và kê khai những nơi mình đến chi tiết. Tốt nhất là mỗi người dân nên cố gắng ghi lại nhật ký tiếp xúc mỗi ngày, điều này sẽ giúp cơ quan chức năng truy vết và tránh bỏ sót địa điểm người bệnh đã đến và người tiếp xúc.

BS Khanh khuyên: “Bạn cũng đừng nghĩ mình là tội đồ cho mọi chuỗi rắc rối sau đó. Nên rút kinh nghiệm cho bản thân và luôn hợp tác tốt với cơ quan chức năng”.

Hiện nay, theo BS Khanh, nhiều người là F0 nhưng không có triệu chứng thì liệu pháp tinh thần là bài thuốc tốt nhất chống lại bệnh tật. “Bản thân phải ý thức mình là nguồn phát tán virus ra môi trường nên phải mang khẩu trang đúng cách, cố gắng ăn đủ chất, uống đủ nước, ngủ đủ giấc. Chú ý vệ sinh để bảo vệ bản thân khỏi tác nhân lây nhiễm khác. Nếu sốt , tức ngực khó thở hay nghi ngờ khó chịu gì thì báo nhân viên y tế ngay”, BS Khanh nói.

 

Trước đó, để giúp cơ sở y tế chủ động trong việc tiếp nhận bệnh nhân có dấu hiệu viêm đường hô hấp cấp, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn giúp người dân thực hiện. Cụ thể:

1. Khi có dấu hiệu sốt, ho, đau họng, khó thở, người bệnh phải đeo khẩu trang và tự cách ly ở một phòng riêng, thoáng khí hoặc ở một vị trí trong nhà, giữ khoảng cách với mọi người ít nhất là 2 mét.

2. Gọi điện cho đường dây nóng của cơ quan y tế địa phương hoặc Bộ Y tế (190090950) để được tư vấn và đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị. Khi đi, đeo khẩu trang trong suốt quá trình di chuyển đến cơ sở y tế.

3. Che kín mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khuỷu tay hoặc khăn vải, khăn tay hay khăn giấy. Thải bỏ khẩu trang, khăn giấy sau khi sử dụng vào thùng rác có nắp đậy kín hoặc vào túi và buộc miệng kín.

4. Rửa tay thường xuyên với xà phòng đặc biệt sau khi ho, hắt hơi, sau khi thải bỏ khẩu trang, khăn giấy.

5. Sử dụng riêng đồ dùng cá nhân như cốc uống nước, bát, đũa...

6. Hạn chế sử dụng phương tiện công công, không đến chỗ đông người, nơi làm việc, trường học.

7. Thông báo với người sử dụng lao động, nhà trường và những người liên quan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm