Bông súng, bông điên điển, cá đồng đi vào tố tụng

Mới đây, TAND tỉnh Bạc Liêu đưa vụ án tranh chấp bồi thường do thiệt hại về tài sản giữa nguyên đơn là ông T. và bị đơn là ông B. ra xử phúc thẩm do có kháng cáo của nguyên đơn. Cái vui, lạ của vụ án này là tài sản mà nguyên đơn cho rằng bị thiệt hại là… bông súng, tôm, cá trên ruộng của mình.
Làm bị đơn xong tiếp tục làm nguyên đơn
Ông T. trình bày trong đơn khởi kiện như sau: Tháng 5-2017, ông có thuê ba công đất của ông B.; giá thuê mỗi công là 2 triệu đồng/năm; thời hạn thuê ba năm; tiền thuê trả hằng năm. Hai bên không làm hợp đồng và không có ai làm chứng.
Sau một năm thuê thì ông B. yêu cầu lấy lại đất. Ngày 10-5-2018, ông B. mời đại diện hai ấp đứng ra giải quyết yêu cầu ông T. trả lại đất. Việc này cũng không lập biên bản. Ông B. đến quản lý phần đất, thời điểm đó ông T. đang thả 300.000 con tôm đã được 25-26 ngày. Khoảng 20 ngày sau, ông trở lại phần đất thì tôm không còn, thiệt hại khoảng 40 kg tôm. Tôm con gọi là tôm ke, giá mỗi kg là 1,2 triệu đồng, tổng cộng 48 triệu đồng.

Ảnh minh họa

Sau đó, TAND huyện Phước Long, Bạc Liêu xử vụ tranh chấp hợp đồng thuê quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là ông B. và bị đơn là ông T. Tòa buộc ông T. trong thời hạn ba tháng kể từ ngày xét xử phải thu hoạch phần bông súng và vật nuôi dưới nước để trả lại phần đất thuê cho ông B.

Tuy nhiên, theo ông T., sáng 28-2-2019, khi chưa hết thời hạn ba tháng, ông B. đã đến xả nước tại ruộng ông đang thuê gây thiệt hại tài sản của ông, gồm bông súng (củ súng và bông súng trị giá 20 triệu đồng), cá (trị giá 50 triệu đồng). Vì vậy, ông T. kiện đòi ông B. phải bồi thường cho ông 48 triệu đồng tiền tôm, 15 triệu đồng tiền bông súng và 35 triệu đồng tiền cá, tổng cộng là 98 triệu đồng.
Bị đơn chỉ thừa nhận làm chết bông súng
Ông B. trình bày ông có cho ông T. thuê đất như ông T. nói. Sau một năm, ông có mời trưởng ấp đến chứng kiến việc ông lấy lại đất. Ông có lấy lú (một dụng cụ để bắt tôm, cá - PV) của ông T. đang đặt tôm bỏ lên bờ. Lúc đó ông T. bỏ về nhà. Ông có nghe ông T. nói dưới vuông còn tôm nên ông không dám lấy lại đất.
Sau đó, ông T. bắt hết tôm và trồng bông súng mà không trả đất cho ông. Tháng 9-2018, ông kiện đòi ông T. trả đất và tòa án huyện đã tuyên như trên. Đến thời hạn giao trả đất như tòa tuyên thì ông T. không giao đất nên ông có thông báo chính quyền địa phương đến chứng kiến việc ông lấy lại đất. 
Khi đó, ông có xả nước của phần đất cho ông T. thuê ra kênh. Lúc xả nước ông có dùng lưới chặn lại nhưng không thấy có tôm, cá gì, chỉ có vài bụi bông súng đang có bông. Nay ông chỉ đồng ý bồi thường cho ông T. tiền bông súng bị thiệt hại là 5 triệu đồng, các phần khác không thiệt hại nên ông không bồi thường.
Kiện xong, “lời” được 50.000 đồng
Xử sơ thẩm, TAND huyện Phước Long chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện, buộc ông B. bồi thường cho ông T. 5 triệu đồng. Sau đó, ông T. kháng cáo đòi ông B. bồi thường 98 triệu đồng, sau giảm còn 93 triệu đồng.
Xử phúc thẩm, TAND tỉnh Bạc Liêu cho rằng ông T. không có chứng cứ chứng minh cho thiệt hại tôm ke như lời trình bày. Về thiệt hại cá và bông súng, những người làm chứng xác định khi ông B. xả nước trong vuông thì chỉ thấy có bông súng nhưng số lượng không nhiều. Ngoài ra, ông T. không có chứng cứ chứng minh thiệt hại cá và bông súng là bao nhiêu nên không có cơ sở xem xét bồi thường.
Theo HĐXX phúc thẩm, tại tòa sơ thẩm ông B. đồng ý bồi thường bông súng 5 triệu đồng nên tòa sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu của ông T. là phù hợp. Nay ông T. kháng cáo nhưng không cung cấp được chứng cứ chứng minh thiệt hại xảy ra nên không có căn cứ chấp nhận. 
Từ những lập luận trên, tòa phúc thẩm tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm, buộc ông B. bồi thường cho ông T. 5 triệu đồng. Ngoài ra, tòa còn buộc ông T. phải chịu án phí phúc thẩm 300.000 đồng. 
Trước đó, án sơ thẩm xử ông T. phải chịu án phí 4.650.000 đồng. Tính ra, sau khi kiện xong, ông T. còn “lời” được 50.000 đồng.

 Bên này xịt thuốc, bên kia chết điên điển

Trước đó, TAND tỉnh An Giang cũng từng xử phúc thẩm một vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại do tài sản (là điên điển, bưởi) bị xâm phạm giữa nguyên đơn là bà S. và bị đơn là vợ chồng ông L.

Bà S. có trồng năm công bưởi và hai công điên điển. Bà S. cho rằng nhà ông L. thuê người xịt thuốc diệt cỏ 2.4D (bên đất ông L.) làm chết điên điển và làm hư 170 cây bưởi nhà bà. Sau đó, bà trồng lại đợt điên điển khác và đang thu hoạch thì nhà ông L. lại thuê người xịt thuốc cỏ 2.4D (trên đất ông L.) làm chết điên điển và hư 140 cây bưởi nhà bà… Vì vậy, bà khởi kiện yêu cầu vợ chồng ông L. phải bồi thường cho bà hơn 68 triệu đồng.

Vợ chồng ông L. trình bày đất ông bà canh tác cách đất bà S. ba công nên việc xịt thuốc không ảnh hưởng đến cây trồng của bà S. Do đó, ông bà không đồng ý bồi thường.

Xử sơ thẩm, TAND huyện Châu Phú (An Giang) buộc vợ chồng ông L. bồi thường cho vợ chồng bà S. 31,5 triệu đồng. Sau đó, vợ chồng ông L. kháng cáo. 

Xử phúc thẩm, TAND tỉnh An Giang nhận định bà S. không cung cấp được chứng cứ, tài liệu chứng minh thiệt hại thực tế. Tuy vậy, hai cấp tòa đã xem xét, thẩm định tại chỗ, bị đơn thừa nhận việc xịt thuốc cỏ 2.4D và Sở NN&PTNT có công văn về mức độ nguy hại của thuốc cỏ 2.4D này. Từ đó, có cơ sở để xác định việc bà S. bị thiệt hại cây trồng điên điển với diện tích 1.500 m2 là có thật.

Tuy nhiên, tòa phúc thẩm cho rằng cấp sơ thẩm tính mức thiệt hại cao hơn thực tế. Qua tham khảo thu nhập của một hộ trồng điên điển khác và thông tin do Sở NN&PTNT cung cấp, tòa phúc thẩm cho rằng tổng thiệt hại của nguyên đơn là hơn 17,9 triệu đồng. Từ đó, tòa sửa án sơ thẩm, buộc bị đơn bồi thường cho nguyên đơn hơn 17,9 triệu đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm