Một chuyên gia bóng đá từng là Phó Chủ tịch VFF chia sẻ: “Nếu V-League bỏ bóng nội mà chơi bóng Adidas hay bóng Nike như giải Anh, giải Đức thì còn có thể tự hào được chứ bỏ bóng Động Lực của Việt Nam (được tài trợ) mà chuyển sang mua bóng Thái Lan thì có gì là hay. Mọi người cứ nói bóng Grand Sport mà V-League 2016 đá đạt chuẩn FIFA nhưng không chịu tìm hiểu rằng năm 2003 khi Việt Nam tổ chức SEA Games 22 thì bóng Động Lực đã được công nhận là bóng thi đấu chính thức và đã được FIFA công nhận tiêu chuẩn chất lượng từ trước đó rất lâu rồi. Đó là chưa kể trong khi bóng nội ta thì xuất khẩu đi các nước châu Âu thì chúng ta lại đi nhập bóng ở Thái Lan về mà bỏ nội gắn bó với mình cả gần 20 năm rõ ràng là phí phạm…”.
Nhà tài trợ Động Lực (trái) gắn với bóng đá Việt Nam gần 20 năm qua dù đạt chuẩn FIFA nhưng vẫn bị “hất cẳng” vì ban tổ chức V-League thích hàng Thái. Ảnh: CTV
Chưa biết và chưa phân biệt bóng nội, bóng ngoại có gì hơn nhau nhưng rõ ràng mùa V-League mới này bóng nội đã làm khổ các đội tham dự và cầu thủ. Hôm qua, khi trao đổi với tôi về việc chất lượng của quả bóng Thái thì các đội bóng, các cầu thủ đều than thở: “Làm gì biết quả bóng Thái nó như thế nào bởi chỉ được thông báo là ban tổ chức sẽ mua bóng Thái Lan về cho các đội thi đấu thôi chứ làm gì đã được phát bóng đấy để tập làm quen tìm cảm giác trong khi 1-2 ngày nữa là giải khai mạc rồi!”.
Trong khi ban tổ chức cứ “tự sướng” với bước tiến nhập bóng ngoại về đá giải thì các đội cứ than trời do không có bóng tập. Còn với các sân bóng tổ chức thì cũng lo lắng khi cái gì cũng đã chuẩn bị xong nhưng quả bóng thi đấu thì chưa có bởi còn hàng loạt thủ tục mua và nhập…
Một thông tin mà chúng tôi tin chắc trong gia đình VPF không phải ai cũng được thông báo đầy đủ đó là trước tết Nguyên đán, vào ngày 22-1 một đại diện của VPF còn đang thương thảo với Động Lực (nhà tài trợ bóng cho V-League từ mùa đầu tiên đến nay và trước đó là giải đội mạnh) về hợp đồng kéo dài ba năm hay hai năm và chưa đi đến thống nhất thì bất ngờ ăn tết xong, các đội được thông báo là đá bóng Thái Lan. Trao đổi với tôi, một đại diện của Động Lực cho biết: “Là nhà tổ chức, các anh đấy được quyền chọn loại bóng thi đấu nhưng ở đây, cách làm việc của họ không sòng phẳng và thiếu cả tình lẫn lý. Chúng tôi là nhà tài trợ xuyên suốt từ giai đoạn bóng đá Việt Nam còn nhiều khó khăn và khi đang thương thảo thì bất ngờ chúng tôi lại nghe nói đã làm thủ tục nhập bóng Thái Lan về thi đấu…”.
Nghe chuyện trên, không ít nhà chuyên môn than thở rằng: “Thị trường ở Việt Nam đang bị Thái Lan hóa rất nhiều, đến hệ thống siêu thị cũng đang bị doanh nghiệp Thái Lan mua đứt, nay đến áo đội tuyển cũng là hàng Thái Lan rồi quả bóng thi đấu V-League giờ cũng là hàng Thái nốt. Thật buồn cho bóng đá Việt Nam và đừng xem đấy là bước tiến của V-League bởi chưa mùa V-League nào mà hai ngày trước khai mạc các đội còn chưa biết quả bóng như thế nào để tập và thích nghi, làm quen…”.
Một bước lùi với công thức nhập hàng Thái Lan bỏ hàng Việt Nam.