Ba trường hợp bị bỏng nặng gồm hai cô gái trẻ bị bỏng vùng mặt và một nam bệnh nhân (người bơm bóng) bị mù mắt.
Vẫn đang điều trị tại khoa bỏng, bệnh nhân MPL (sinh năm 1995, đang là sinh viên ở Hà Nội) vẫn đang đau đớn sau hai tuần bị bỏng. L. cho biết mình bị tai nạn hôm 14-2, khi đang tổ chức một sự kiện cho các hội viên ở công ty.
L. cho biết cô vừa được tháo băng nhưng các vết tổn thương vùng mặt vẫn phải điều trị lâu dài. L. kể hôm đó cô và mọi người chuyển 55 quả bóng bay sang phòng có điều hòa, khi thay đổi môi trường, bóng giãn nở đột ngột và bị nổ. Khi đó, 55 quả bóng vẫn được để trong túi bóng, khi cô đang ôm thì bóng phát nổ nên lãnh trọn “trái bom” đó.
BS Thống đang thăm hỏi bệnh nhân trong vụ nổ bóng bay
Rất may khi ấy L. đeo kính cận nên mắt không bị ảnh hưởng, nhưng cặp kính cũng đã bị vỡ tung. Trong khi đó, một số đồng nghiệp đứng xung quanh cô cũng bị cháy xém tóc mà không bị bỏng.
Một bệnh nhân khác cũng bị bỏng do bóng bay và đang điều trị tại BV Xanh Pôn là DTM (sinh năm 1984, ở Hàng Ngang, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Dù nhập viện đã hai ngày nhưng cô vẫn rất đau đớn vì bị bỏng do bóng hydro phát nổ.
Người nhà cho biết ngày 26-2, gia đình làm lễ mừng thọ cho bà ngoại, M. đã phụ trách phần trang trí nên đi mua chùm bóng bay bơm khí hydro về để cho “vui cửa vui nhà”. Nhưng khi M. đang gỡ bóng để trang trí thì chùm bóng phát nổ, M. đang ôm bóng trước ngực nên khi bóng nổ, toàn bộ vùng mặt và hai tay đều bị bỏng nặng. Cả quần áo và tóc cũng bị cháy xém.
BS Thống khuyến cáo mọi người cần phải thận trọng với bóng bơm khí hydro, vì đa số người dùng thường bị bỏng nặng vùng mặt, tay, mắt nên để lại hậu quả nặng nề. Bóng hydro rất dễ phát nổ nếu cọ xát mạnh hoặc gặp tàn thuốc. Nếu trẻ em nghịch chèn, ép bóng, dùng lửa cắt dây, bơm căng quá, nhiệt độ ngoài trời nóng đều có thể làm bóng nổ.
Theo BS Thống, khi bỏng nhiệt cần sơ cứu nhẹ, dập lửa và rửa nước sạch. Di chứng của việc nổ bóng bay rất lâu, gây đau đớn, để lại sẹo và sạm da.