Ông cho rằng việc tuân thủ quy trình ban hành nghị quyết của HĐND chưa đảm bảo chặt chẽ theo trình tự luật định, trong đó có việc lấy ý kiến người dân về nghị quyết ban hành còn hình thức. Như vụ làm BOT Cai Lậy, nếu lấy ý kiến người dân đầy đủ thì không có chuyện dân phản đối như vừa qua…
Trình bày báo cáo giám sát, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Tuý cho hay trong việc ban hành nghị quyết chưa đảm bảo chặt chẽ quy trình theo luật định. “Nhất là chuyện tổ chức lấy ý kiến và đánh giá tác động của một số dự thảo nghị quyết còn mang tính hình thức. Vẫn còn tình trạng chưa thống nhất cách hiểu về nghị quyết quy phạm pháp luật và nghị quyết cá biệt nên còn lúng túng trong xây dựng nội dung nghị quyết quy phạm pháp luật dẫn đến gửi hồ sơ đến các Ban của HĐND thẩm tra còn chậm” – ông Tuý nói.
Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu bày tỏ lo lắng và cho rằng đây là vấn đề rất nghiêm trọng vì việc ban hành nghị quyết của HĐND liên quan đến những chính sách lớn của địa phương, tác động đến rất nhiều người dân, cả địa phương đó phải thực thi.
“HĐND ban hành nghị quyết chưa đảm bảo trình tự luật định là lo quá. Đây là nơi ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương mà không theo trình tự theo luật thì nguy trong khi báo cáo giám sát lại không chỉ rõ địa phương nào?. Ban hành chính sách vượt quy định đến khi sai sót thì gây ra hậu quả rất lớn, vì ảnh hưởng tới toàn xã hội do phải tổ chức thực thi” – ông Giàu nói.
Đồng tình với ý kiến này, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng báo cáo giám sát cần làm sâu hơn những bất cập trong quy trình ban hành nghị quyết của HĐND. “Trong báo cáo nói đánh giá tác động, lấy ý kiến nhân dân còn hình thức. Ví dụ như BOT Cai Lậy, nếu quy trình đoàn ĐBQH, HĐND Tiền Giang lấy ý kiến nhân dân đầy đủ thì tình trạng diễn ra tại BOT Cai Lậy đã không phức tạp như thời gian vừa qua” – ông Thanh nói.