‘Bột nở’ hiếm có làm dự án đội vốn 36 lần

Dự án nạo vét sông Sào Khê ở Ninh Bình, vốn đầu tư ban đầu chỉ 72 tỉ đồng sau đó tăng thành 2.600 tỉ đồng khiến các đại biểu (ĐB) đặt vấn đề tại buổi thảo luận về báo cáo giám sát quản lý, sử dụng vốn tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2016 vào ngày 28-5.

Vốn đầu tư từ 72 tỉ tăng thành 2.600 tỉ

ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho hay vừa qua cử tri giật mình về dự án nạo vét sông Sào Khê (Ninh Bình) với phê duyệt ban đầu là 72 tỉ đồng, sau đó nở dần gần 2.600 tỉ đồng. “Quả là quá sức tưởng tượng. Có thể nói cả thế giới khó tìm ra được “bột nở” nào để làm nở kinh phí đầu tư lúc đầu chỉ là con chuột nhắt, sau thành con voi mà lại là voi ma mút” - ông Trí bình luận. ĐB Trí cũng cho rằng ở Việt Nam không thiếu những dự án như vậy và đây chính là một trong những nguyên nhân làm thất thoát, lãng phí, thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước. 

“Thực tế là phần lớn dự án của Nhà nước đều chậm tiến độ vì những lý do thiếu sâu sát, thiếu quyết tâm, thậm chí là thờ ơ, thiếu trách nhiệm… Nó gây lãng phí, đánh mất cơ hội, gây thiệt hại rất lớn” - ông nhấn mạnh.

Trước ý kiến của ĐB Trí, ĐB Bùi Văn Phương, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình, cho rằng nếu chỉ nhìn con số từ 72 tỉ đồng lên gần 2.600 tỉ đồng thì người dân sẽ đặt nhiều câu hỏi băn khoăn nên ĐBQH tỉnh Ninh Bình cung cấp thêm thông tin về dự án để giải tỏa các thắc mắc này. Theo ông, dự án Sào Khê thực hiện từ năm 2011, mục tiêu ban đầu là thủy lợi. Tuy nhiên, sau này dự án được điều chỉnh lại do thực hiện nhiều mục tiêu khác ngoài sản xuất nông nghiệp như tôn tạo cố đô Hoa Lư; phục vụ giao thông thủy, phục vụ công trình du lịch Tràng An - di sản thế giới. “Nguồn lực dự án này không phải hoàn toàn là vốn nhà nước. Cụ thể, vốn nhà nước chỉ hơn 1.400 tỉ đồng. Số vốn còn lại là của DN và các nguồn vốn khác để phát triển du lịch địa phương” - ông giải thích. Theo ông Phương, việc điều chỉnh dự án như thế “để có một Ninh Bình ngày hôm nay, có được cố đô Hoa Lư được tôn tạo, có được di sản Tràng An được thế giới biết đến và chúng ta tự hào về di sản đó, có phần đóng góp của dự án này trong đó”.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đặt vấn đề về dự án nạo vét sông Sào Khê, vốn đầu tư ban đầu từ 72 tỉ đồng nở dần thành 2.600 tỉ đồng. Ảnh: QH

Đề nghị thanh tra dự án Sào Khê

Tuy nhiên, phần trả lời của ông Phương đã được các ĐB khác phản biện. ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng trên thế giới, một dự án đầu tư mà tăng vốn thế thì “không thể giải thích gì thêm được”. Theo ông Nghĩa, trong đầu tư phát triển quan trọng nhất là chất lượng và hiệu quả. “Khi dự án kéo dài, chưa nói tới tham nhũng hay tiêu cực, đã là không hiệu quả, như vậy sẽ tác động ngược lại nền kinh tế, là gánh nặng của nền kinh tế” - ĐB Nghĩa phân tích. ĐB Nghĩa đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra dự án Sào Khê để có kết luận đúng sai. “Cái gì khách quan, đáng khen thưởng thì khen thưởng, còn cái nào phải sửa chữa, rút kinh nghiệm thì cần phải làm. Trong trường hợp có hiện tượng như vậy, đề nghị thanh tra để các đồng chí Ninh Bình không băn khoăn, thắc mắc và cử tri cũng thấy rõ ràng, yên tâm” - ông kiến nghị. Cùng tranh luận với ĐB Phương, ĐB Nguyễn Anh Trí cho hay ông đề cập hiện tượng “đầu chuột đuôi voi” để cho thấy đây là một nguyên nhân gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước. 

“Khi xin dự án thì chỉ xin nhỏ nhỏ bé bé thôi nhưng cứ nở dần nở dần. QH hằng năm thông qua ngân sách rồi thì lấy đâu để bù vào. ĐB nói trong đó chỉ có 1.400 tỉ đồng là tiền của Nhà nước nhưng tôi nghĩ nở ra gấp đôi, gấp ba đã là quá đáng, chứ nở đến như thế này thì xin làm một dự án khác” - ông Trí nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm