Sau 11 ngày làm việc liên tục, phiên sơ thẩm lần hai xét xử vụ án liên quan đến sự cố chạy thận khiến chín người tử vong tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình kết thúc phần tranh luận, các bị cáo nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án. HĐXX cho biết sẽ nghị án kéo dài và dự kiến sẽ tuyên án vào chiều 30-1 tới.
Lời gan ruột của Bs Lương
Là người đầu tiên nói lời sau cùng, Hoàng Công Lương (cựu bác sĩ khoa Hồi sức tích cực) gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân trong sự cố chạy thận ngày 29-5-2017. Lương nói về chức trách, nhiệm vụ của bị cáo - là bác sĩ điều trị tại đơn nguyên thận nhân tạo. Trong quá trình truy tố, xét xử, bị cáo thấy rằng những chứng cứ mà VKS dùng để cáo buộc bị cáo phạm tội vô ý làm chết người đã có dấu hiệu bị chỉnh sửa.
“Những cáo buộc này là không đủ căn cứ, vì vậy mong HĐXX có những đánh giá khách quan, công tâm để ra được một bản án thấu lý đạt tình. Một lần nữa, bị cáo mong muốn được HĐXX tạo điều kiện cho bị cáo được trở lại hành nghề khám chữa bệnh” - Lương kết thúc phần nói lời sau cùng.
Là người bị truy tố cùng tội danh với Hoàng Công Lương (tội vô ý làm chết người), Bùi Đình Quốc (giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh) cũng gửi lời xin lỗi đến gia đình các nạn nhân. Quốc cám ơn HĐXX, đại diện VKS và các luật sư đã làm sáng tỏ ba hành vi bị cáo buộc trong cáo trạng xuống còn một hành vi, đó là không ngăn cản quyết liệt việc đưa hệ thống RO vào hoạt động khi chưa có kết quả xét nghiệm nguồn nước dẫn đến sự cố y khoa chạy thận. Quốc mong HĐXX xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để đưa ra một bản án khoan hồng, để bị cáo sớm trở về đoàn tụ với gia đình.
Tương tự, Trần Văn Sơn (cựu cán bộ phòng vật tư thiết bị y tế) cho rằng để xảy ra sự cố y khoa ngày 29-5 là vì đồng hồ đo độ dẫn điện bị sai số. Bị cáo mong muốn phòng vật tư cần có một người làm công tác văn thư, lưu trữ và mong HĐXX giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để sớm trở về với gia đình.
Đáng chú ý, bị cáo Đỗ Anh Tuấn (giám đốc Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn) nói rằng không ngờ bị cáo phải đứng ở vị trí này. “10 năm trước, tôi lên Hòa Bình gặp anh Dương, tôi nghĩ đã làm được việc tốt cho Hòa Bình, làm giảm bớt sự vất vả cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Ngày hôm nay, xin chia buồn với gia đình nạn nhân bị mất và bị ảnh hưởng. Tôi khẳng định là tôi không có tội. Đề nghị HĐXX tuyên tôi vô tội” - bị cáo nói.
cựu bs Hoàng Công Lương cùng các bị cáo khác tại tòa. Ảnh: TUYẾN PHAN
Lời xin lỗi của cựu giám đốc bệnh viện
Cũng nói lời sau cùng, bị cáo Trương Quý Dương (cựu giám đốc BV) nghẹn ngào: “Chẳng bao giờ bị cáo nghĩ có lúc phải nói lời sau cùng trước bục khai báo”. Cựu giám đốc BV nói cảm thấy “day dứt có, ân hận có” và gửi lời xin lỗi đến vong linh các nạn nhân đã khuất và người nhà các nạn nhân. Bị cáo cũng xin lỗi nhân dân, xin lỗi ngành y tế và BV.
“Để xảy ra sự cố này, bị cáo xin nhận trách nhiệm vì là người đứng đầu. Trong suốt gần hai năm điều tra, truy tố, xét xử, bị cáo xin lỗi quý tòa vì không lường trước được trong phiên xét xử hồi tháng 5-2017, bị cáo đã không có mặt vì công việc gia đình nên gây ra khó khăn lớn trong quá trình xét xử” - bị cáo Dương trình bày.
Cựu giám đốc BV tự nhận có trách nhiệm trong sự cố y khoa này nên không khẳng định oan hay không oan, tội nặng hay nhẹ, bởi tất cả đều được soi xét dưới ánh sáng của pháp luật. “Các nội dung mà quý viện luận tội và nêu ra các cơ sở luận tội là hoàn toàn hợp lý. Lý ở đây là VKS căn cứ vào một khuôn mẫu, một quy định cứng của pháp luật, mọi hành vi đều được đưa vào khuôn mẫu để điều chỉnh” - bị cáo nói.
Tuy nhiên, ông Dương cũng cho rằng đây là vụ việc hy hữu không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới; đã hy hữu thì rất đặc biệt mà đưa luật thông dụng vào xử một vụ án hy hữu có lẽ chưa thỏa đáng. “Với đồng nghiệp, những anh em đang ở đây, thật đau xót khi phải gọi bằng cụm từ bị cáo. Tôi xin lỗi các anh chị, tôi là người đứng đầu mà không hoàn thành nhiệm vụ dìu dắt, phải đứng ở tòa thế này. Rất mong HĐXX ngoài để cho bị cáo thấy được lỗi lầm còn là bài học cho y, bác sĩ trong ngành, nhất là những bác sĩ trẻ” - bị cáo Dương nói.
Đến lượt mình, bị cáo Hoàng Đình Khiếu (cựu phó giám đốc BV) mong HĐXX xem xét tất cả lời khai, tranh luận tại tòa để có một bản án đúng người, đúng tội, phán xét công minh, khách quan.
Trong khi đó, bị cáo Trần Văn Thắng (cựu trưởng phòng vật tư thiết bị y tế) “không biết nói gì” trước sự mất mát quá lớn của gia đình các nạn nhân, chỉ biết gửi lời xin lỗi chân thành và mong được tha thứ. Bị cáo khẳng định có niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự công tâm, khách quan của HĐXX để có được bản án công tâm nhất.
Trách nhiệm của trưởng khoa Hồi sức tích cực Đáng chú ý, trong bản luận tội của mình, ngoài việc đề nghị mức án đối với các bị cáo, đại diện VKS cũng đề nghị HĐXX kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ dấu hiệu thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý của ông Hoàng Công Tình (trưởng khoa Hồi sức tích cực, chú ruột của Hoàng Công Lương). Tại tòa, tranh luận về vấn đề trên, luật sư Ngô Thị Thu Hằng (người bảo vệ quyền lợi cho ông Tình) cho rằng ông Tình không phụ trách chuyên môn tại đơn nguyên thận nhân tạo mà chỉ có nhiệm vụ giúp việc cho trưởng khoa theo phân công, không có căn cứ chứng minh ông Tình buông lỏng quản lý. Tương tự, luật sư Trần Hồng Phúc (cũng bảo vệ quyền lợi cho ông Tình) nghi ngờ có dấu hiệu làm giả tài liệu về việc giao ông Tình phụ trách máy chạy thận, kiến nghị điều tra làm rõ. Đối đáp lại, đại diện VKS cho biết lý do đề nghị làm rõ trách nhiệm của ông Tình vì dựa vào căn cứ ông là phó khoa Hồi sức tích cực tại thời điểm xảy ra sự cố, được bị cáo Hoàng Đình Khiếu khai rằng ủy quyền thực hiện công việc ở khoa. Ngoài ra, ông Tình còn có lịch trực tại đơn nguyên thận nhân tạo; tại tòa, BS Phạm Thị Huyền và điều dưỡng Nguyễn Thị Hằng đều khai nhận nhiệm vụ từ sự phân công của ông Tình… Theo đại diện VKS, với vai trò là phó trưởng khoa, ông Tình đã không tham mưu giúp việc cho trưởng khoa. Do vậy, cơ quan công tố bảo lưu quan điểm đề nghị HĐXX kiến nghị làm rõ ông Tình có dấu hiệu thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý. |