Theo đó, các trường đại học ở các nước sẽ có những chương trình và những học kỳ mà sinh viên sang nước khác để học.
Xu hướng chuyển dịch sinh viên (SV) quốc tế bùng nổ do hai nguyên nhân chính: Bắt đầu từ năm 2017, tại các nước Úc, Pháp, Canada… quy trình xét duyệt visa dành cho SV quốc tế đơn giản hơn, thậm chí Canada còn tạo thêm các điều kiện thuận lợi để SV quốc tế sau khi tốt nghiệp có thể ở lại nước sở tại lâu dài để làm việc. Tại Đông Nam Á, Dự án hỗ trợ giáo dục đại học (ĐH) tại khu vực Đông Nam Á (SHARE) thuộc Liên minh châu Âu khởi động từ giữa năm ngoái, đến nay đã có tác dụng dịch chuyển SV trong khu vực ASEAN, đặc biệt là các hệ thống chuyển đổi tín chỉ và chương trình học bổng nhằm tạo ra một khu vực giáo dục ĐH năng động.
Chọn học kỳ nước ngoài là thức thời
Các chương trình và học kỳ mà SV được sang nước ngoài nghiên cứu, học tập có thể là các chương trình cấp chứng chỉ và kéo dài trong khoảng thời gian ngắn hạn vài tháng hè; hoặc cũng có thể là các chương trình không cấp chứng chỉ đào tạo mà chỉ có giấy chứng nhận kết thúc khóa học.
Ngay cả Mỹ là quốc gia có số lượng ít SV đi du học nước ngoài, tuy nhiên trong những năm qua con số này cũng đã dần thay đổi. Theo báo cáo từ Viện Giáo dục Quốc tế (IIE), hơn 300.000 SV Mỹ đã tham gia các khóa học ngắn hạn ở nước ngoài để tích lũy tín chỉ học tập trong năm học 2015-2016, trong khi hơn 22.000 SV đã ra nước ngoài tham gia các khóa học không tích lũy tín chỉ khác, như thực tập, tình nguyện,… Năm quốc gia thường được các SV Mỹ lựa chọn là Anh, Ý, Pháp, Tây Ban Nha và Trung Quốc.
Ở châu Á và châu Âu, ngày càng có nhiều nước quan tâm tới việc tổ chức những khóa học ngắn hạn ở nước ngoài dành cho SV như Ý, Tây Ban Nha, Nhật Bản,… Ấn Độ và Trung Quốc cũng là hai quốc gia có số lượng SV ra nước ngoài du học ngắn hạn trong thời gian học tập tại trường nhiều nhất. Riêng tại Đức, chính phủ nước này dự kiến trong tương lai sẽ có phân nửa số SV Đức theo học ít nhất một học kỳ ở nước ngoài, biến Đức thành một trong những nước có SV cơ động nhất thế giới.
Tại Việt Nam, nhiều trường ĐH như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH FPT, ĐH Hoa Sen, ĐH Quốc tế RMIT,… cũng đã triển khai mô hình này và có số lượng SV tham gia ngày càng tăng.
Tham gia các chương trình hay học kỳ ở nước ngoài đang là lựa chọn của nhiều sinh viên trên khắp thế giới. Ảnh: BARCELONASAE
Chìa khóa thành công
Theo tạp chí Forbes, chúng ta đang sống trong một thời đại toàn cầu hóa mà ở đó một thành tích học tập tại nước ngoài có thể sẽ là điểm sáng trong hồ sơ xin việc dẫn đến thành công trong tương lai. Đây cũng được cho là nguyên nhân khiến xu hướng giáo dục hội nhập ngày càng phát triển trên thế giới.
Theo nghiên cứu từ Viện Giáo dục Quốc tế (IIE), những hoạt động trong quá trình học tập mà SV được trải nghiệm ở nước ngoài, như học một ngôn ngữ mới, hòa nhập với một nền văn hóa mới,… sẽ là cơ hội để các SV có được kinh nghiệm thực hành bên ngoài giảng đường, đồng thời giúp phát triển các kỹ năng làm việc theo tiêu chuẩn quốc tế. Các nghiên cứu cho thấy 96% SV sau khi du học đã tăng thêm tự tin, 97% SV cảm thấy trưởng thành hơn và 98% SV hiểu giá trị của chính mình rõ ràng hơn.
Từng học một học kỳ hay tham gia một chương trình ở nước ngoài cũng là chìa khóa giúp SV ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Một khảo sát cho thấy có 6/10 nhà tuyển dụng cho biết họ sẽ ưu tiên cho những ứng viên có kinh nghiệm học tập ở nước ngoài, trong đó ba nước ưu tiên nhiều nhất là Đức, Thụy Sĩ và Tây Ban Nha.
Các khóa du học ngắn hạn còn là chương trình phù hợp với những SV muốn thử trải nghiệm cảm giác du học nhưng lại chưa sẵn sàng cho chuyến đi quá dài. “Nếu muốn những SV tốt nghiệp sẽ thành công trong tương lai, tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải cung cấp cho họ một nền giáo dục toàn cầu” - ông Jeff Palis, Giám đốc Trung tâm Du học và Nghiên cứu toàn cầu thuộc ĐH Lamar, cho biết. Theo ông Palis, việc học thêm được nhiều kiến thức trên các lĩnh vực khác nhau sẽ giúp SV tự tin hơn trong công việc. Những khóa học ngắn hạn này cũng giúp SV có thêm trải nghiệm với các nền văn hóa trên thế giới, trau dồi ngoại ngữ, phát triển bản thân, trở thành những công dân toàn cầu trong thời đại hội nhập.
Học phí không quá đắt
Tùy quốc gia, tùy trường, tùy chương trình hay học kỳ mà sẽ có những quy định khác nhau đối với một học kỳ du học hay chương trình ở nước ngoài của SV.
Theo nghiên cứu từ Hội đồng Anh, đa số trường ĐH trên thế giới đều tổ chức các chương trình học kỳ nước ngoài theo dạng liên kết với trường ĐH nước ngoài. Một số trường sẽ để SV được đăng ký tham gia ngay từ năm nhất nhưng cũng có nhiều trường chỉ dành các khóa học cho SV năm ba, năm tư và đảm bảo một tiêu chuẩn học tập nào đó.
SV sẽ đóng học phí theo quy định của trường mình đang theo học, kèm với những khoản phí như vé máy bay, visa, bảo hiểm, ăn ở, đi lại, sinh hoạt phí ở nước ngoài,… trong thời gian học tập tại nước sở tại. Các SV khi có thành tích học tập tốt cũng thường sẽ được các trường cấp học bổng.
Trang Go Oversea thống kê chi phí sinh hoạt cho một học kỳ ở một số quốc gia trên thế giới như: Vương quốc Anh 6.200-7.000 USD/học kỳ, Nhật Bản 4.700-6.000 USD/học kỳ, Đức 3.800-4.500 USD/học kỳ, Pháp 3.500-4.500 USD/học kỳ, Trung Quốc 2.200-3.200 USD/học kỳ,… Như vậy, chi phí trung bình ở các quốc gia này là 50-150 triệu đồng cho một học kỳ học ở nước ngoài. “Hầu hết mọi người đều không cho rằng việc du học là khoản đầu tư. Tôi khuyến khích SV của mình du học ngay cả khi họ phải chịu một khoản nợ 5.000 đô. Họ sẽ thu về được nhiều hơn thế” - ông Amit Chakma, Chủ tịch ĐH Western Ontario ở London, nói.