Bùng nổ kịch thiếu nhi

(PLO)- Chào đón hè 2023, các sân khấu đã ra mắt nhiều chương trình phục vụ các em nhỏ với nhiều lựa chọn: Kịch, cải lương, xiếc, múa rối nước.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những ngày cuối tháng 5, các sân khấu rộn rã công bố các chương trình cho trẻ em dịp hè.

Phong phú các thể loại

Sân khấu IDECAF đã chính thức công diễn chương trình “Ngày xửa ngày xưa” số 34 với vở Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai (tác giả Quang Thảo, đạo diễn Đình Toàn) vào tối 27-5.

Võ Minh Lâm vào vai cu Mùi trong vở Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ. Ảnh: LỮ ĐẮC LONG

Võ Minh Lâm vào vai cu Mùi trong vở Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ. Ảnh: LỮ ĐẮC LONG

Các nghệ sĩ tham gia vẫn là dàn diễn viên quen thuộc của sân khấu IDECAF như NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, NSƯT Mỹ Duyên, Tuấn Khôi, Đình Toàn, Lê Khánh, Hoàng Trinh, Don Nguyễn, Tuấn Khải…

Từ ngày 28-5 đến 3-6, Liên đoàn Xiếc Việt Nam diễn đều đặn mỗi ngày ba suất chương trình xiếc tổng hợp tại Nhà hát Hòa Bình (đường Ba Tháng Hai, TP.HCM).

Tại rạp xiếc Công viên Gia Định (đường Hoàng Minh Giám, quận Gò Vấp) từ ngày 27-5 đến 4-6 và diễn tiếp hằng tuần sau đó, Nhà hát nghệ thuật Phương Nam mang đến cho khán giả nhí vở kịch xiếc Ba Tư huyền bí.

Tại Bảo tàng Lịch sử (đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1), nhà hát giới thiệu đến các bé vở rối nước đề tài lịch sử Nguyễn Trung Trực. Vở diễn hằng tuần vào thứ Bảy, Chủ nhật, mỗi ngày hai suất lúc 10 giờ 30 và 14 giờ 30.

Nàng công chúa và chiếc áo tầm gaicâu chuyện đấu tranh giữa thiện và ác. Bên cạnh đó, câu chuyện còn đề cao tình yêu thương giữa người với người, đặc biệt là tình yêu giữa anh em trong gia đình. Theo ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, hiện 42 suất diễn trong tháng 5, 6 và 7 đã bán hết vé.

Trong dịp này, sân khấu Quốc Thảo cũng thực hiện vở Siêu thú tranh tài. Ngoài ra, sân khấu Hồng Hạc đang dốc sức chuẩn bị và tập luyện ngày ra mắt vở Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ. Đây là vở kịch được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh do Việt Linh biên kịch và Cẩm Tiên đạo diễn. Vở sẽ chính thức công diễn vào tối 1-6 tại Nhà hát Thanh niên (quận 3).

Bên cạnh bốn nhân vật “nhí” đáng yêu như Hải cò (Khang An), Tí sún (Minh Khôi), cu Mùi (Tuệ Nhi) và Tủn (Hà Anh) thì sự xuất hiện của nghệ sĩ cải lương Võ Minh Lâm trong vai cu Mùi (lúc lớn) cũng thu hút sự chú ý.

Một cảnh trong vở Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai. Ảnh: VĂN HÀ

Một cảnh trong vở Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai. Ảnh: VĂN HÀ

Bắt nhịp muộn hơn với các sân khấu khác trong việc dựng kịch thiếu nhi, sân khấu Kịch 5B cho biết chỉ mới lên ý tưởng và kịch bản phóng tác trên truyện cổ tích Hai cô bé và quả bướu (tác giả Vương Huyền Cơ, đạo diễn Bảo Chu).Hiện êkíp chưa lấy tên chính thức cho vở nhưng dự kiến ra mắt vào ngày 17 và 18-6. Dịp 1-6 năm nay, nhà hát diễn lại ba suất vở Đại náo Long Cung vào các ngày 1, 3 và 4-6.

Nỗ lực làm mới

Năm nay, sân khấu Trương Hùng Minh được xem là tân binh đối với loại hình kịch thiếu nhi. Dù là lần đầu tiên làm kịch thiếu nhi nhưng sân khấu này đã sắp lịch diễn tới 17 suất, bắt đầu từ ngày 1-6, với chương trình Truyện thần tiên 1, vở Bí mật trăm đốt tre (tác giả và đạo diễn Huỳnh Lập).

Nghệ sĩ Minh Nhí cho biết đầu tư cho kịch thiếu nhi không thể nói bao nhiêu là nhiều. “Đến giờ chúng tôi cũng chưa tổng kết là đầu tư bao nhiêu vào vở này nhưng để vở diễn hoành tráng, thật hay thì chúng tôi cứ đầu tư hết mình. 86 diễn viên tham gia, đầu tư cả trăm bộ trang phục. Nếu tôi tính toán trước việc đầu tư như vậy thì rất dễ bị “ngán tiền”.

Dàn diễn viên trong vở Bí mật trăm đốt tre của sân khấu Trương Hùng Minh. Ảnh: Sân khấu Trương Hùng Minh

Dàn diễn viên trong vở Bí mật trăm đốt tre của sân khấu Trương Hùng Minh.
Ảnh: Sân khấu Trương Hùng Minh

Chúng tôi sẽ diễn 17 suất cho vở Bí mật trăm đốt tre và hiện tại mỗi suất chỉ còn 2-3 hàng ghế cuối” - nam nghệ sĩ bày tỏ.

Còn với sân khấu IDECAF, chương trình “Ngày xửa ngày xưa” luôn được ông bầu Huỳnh Anh Tuấn đầu tư với kinh phí khủng. “Ngày xửa ngày xưa” năm nay có mức đầu tư gấp đôi “Ngày xửa ngày xưa” số 33. Không chỉ về trang phục mà cảnh trí cũng được đầu tư kỹ lưỡng, lung linh, mang đậm văn hóa Bắc Âu.

Không đầu tư hoành tráng, kịch thiếu nhi Hồng Hạc “đánh” vào phân khúc khán giả thích sự hồn nhiên, vô tư khi lấy bối cảnh làng quê.

Tất cả đều nhằm đạt được mong muốn: Cho trẻ em có một mùa hè thật sôi động và đầy ý nghĩa.

Trăn trở....

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cho biết bản thân vẫn rất trăn trở với việc đưa kịch thiếu nhi đến với trẻ em khó khăn, vùng sâu, vùng xa của TP: “Với lượng khán giả rất lớn đến với địa điểm Nhà hát Bến Thành hoặc sân khấu IDECAF xem kịch thì đó là điều rất đáng quý. Nhưng thật sự khán giả đa số là ở nội thành, cha mẹ có điều kiện để đưa các bé đi xem.

Vì vậy, điều mà gần 40 năm làm nghề từ múa rối Nụ Cười đến kịch thiếu nhi, vấn đề trăn trở nhất đối với tôi là những em ở vùng xa, không có điều kiện được xem kịch ở gần nhà mình”.

Theo ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, hiện TP.HCM còn hàng ngàn trẻ em muốn đi xem “Ngày xửa ngày xưa” nhưng không có điều kiện. Vì vậy, cách đây 10-15 năm, sau mỗi chương trình “Ngày xửa ngày xưa”, sân khấu IDECAF đều làm một phiên bản nhỏ của chương trình, giảm số lượng diễn viên và mang xuống nhà thiếu nhi của các quận, huyện diễn. Nhưng bây giờ làm điều này hơi khó. Sân khấu của các nhà hát thiếu nhi rất nhiều nhưng mình không có diễn viên xuống đó để diễn.

Không ít ý kiến cho rằng vì sao không đưa các sản phẩm kịch thiếu nhi của sân khấu lên YouTube nhưng với ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, YouTube lại giống với điện ảnh rồi ngồi xem ở nhà. “Điều tôi muốn là sự tương tác, mở ra sân khấu cảm giác được trân trọng, được say mê sân khấu là như vậy” - ông bầu Huỳnh Anh Tuấn bày tỏ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm