Buộc tháo dỡ, xử lý cán bộ vụ nhà xây lụi trên đất người khác

Sở Xây dựng vừa có văn bản báo cáo UBND TP về vụ việc hàng chục căn nhà xây dựng không phép trên đất nông nghiệp tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh.

Trước đó, ngày 25-7, Pháp Luật TP.HCM đã có bài phản ánh Bình Chánh: Cả chục căn nhà xây lụi trên đất người khác”. Sau bài báo này, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan đã có văn bản chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với UBND huyện Bình Chánh kiểm tra, xử lý nhanh và báo cáo UBND TP.

11 căn xây lụi trên đất người khác

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, khu đất có diện tích 2.000,5 m2 thuộc thửa đất số 565, tờ bản đồ số 75, vị trí tại ấp 2, xã Vĩnh Lộc A. Mục đích sử dụng đất là đất trồng cây lâu năm, được Sở TN&MT cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Lại Triệu Long vào tháng 6-2016.

Rà soát về quy hoạch, Sở Xây dựng thông tin khu đất thuộc chức năng quy hoạch là đất nông nghiệp. UBND huyện Bình chánh chưa ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu 1/2.000 và quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn.

Sau phản ánh của Pháp Luật TP.HCM, ngày 2-8, Thanh tra Sở Xây dựng đã phối hợp với UBND xã Vĩnh Lộc A kiểm tra hiện trạng thực tế khu đất. “Ghi nhận trên khu đất có 11 căn nhà. Trong đó có một căn của bà Đỗ Kim Quy nằm trọn trên khu đất, 10 căn còn lại có một phần diện tích nhà trên đất của ông Lại Triệu Long” - Sở Xây dựng xác nhận.

Sở Xây dựng khẳng định tất cả 11 căn nhà trên đều là xây dựng không phép trên đất nông nghiệp và trọn căn hoặc một phần trên đất của ông Lại Triệu Long. Kết cấu các căn nhà đều là vách gạch, mái tôn, một số căn có gác bê tông cốt thép. Đặc biệt, trong 11 căn nêu trên thì có tới bảy căn được xây dựng trong năm 2017. Còn lại xây rải rác từ năm 2011 đến 2016. Tuy nhiên, xã Vĩnh Lộc A đã không phát hiện và xử lý kịp thời.

Sở Xây dựng cho biết theo quy chế 58/2013 của UBND TP thì trách nhiệm kiểm tra, phát hiện và xử lý các công trình vi phạm nêu trên là thuộc về xã Vĩnh Lộc A.

Công trình không phép xây dựng trên đất của ông Lại Triệu Long, ấp 2, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh. Ảnh: VIỆT HOA

Xử nghiêm cán bộ buông lỏng quản lý

Cũng theo báo cáo của Sở Xây dựng, toàn bộ 11 căn nhà xây dựng không phép nêu trên đã có người ở và UBND xã Vĩnh Lộc A đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính với chủ nhà. Đồng thời, xã này cũng đã ban hành các quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc tháo dỡ công trình xây dựng không phép. “UBND xã Vĩnh Lộc A đang lên kế hoạch tổ chức thực hiện cưỡng chế tháo dỡ các công trình vi phạm nêu trên” - Sở Xây dựng cho hay. Cạnh đó, báo cáo của Sở Xây dựng khẳng định việc chậm phát hiện và xử lý vi phạm không kiên quyết của chính quyền địa phương dẫn đến công trình vi phạm tồn tại trong thời gian dài, gây bức xúc trong nhân dân và báo chí phản ánh là có cơ sở.

Từ đó Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP chỉ đạo huyện Bình Chánh khẩn trương tổ chức cưỡng chế công trình vi phạm theo quy định. Cùng với đó, xem xét, kiểm điểm trách nhiệm đối với các cá nhân đã buông lỏng quản lý, không kịp thời xử lý nghiêm trong quá trình vi phạm.

Trước đó, ngày 31-7, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Trần Phú Lữ cho biết huyện đã chỉ đạo công an huyện vào cuộc điều tra, xác minh vụ việc có liên quan và yêu cầu xã Vĩnh Lộc A báo cáo.

Đất mình làm chòi lá không được, người khác xây nhà thì… được

Trước đó, ông Lại Triệu Long, ngụ quận 6, đã đến Pháp Luật TP.HCM phản ánh về hàng chục căn nhà xây lụi trên khu đất của mình tại ấp 2A, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh. Khu đất này ông mua lại từ một người dân từ năm 2014 và được Sở TN&MT cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2016.

Sau khi mua đất, ông xin cất một chòi lá để tiện chăm sóc cây trên đất nhưng không được chấp thuận. Năm 2017, ông bị bệnh nên không đến thăm đất và khoảng tháng 3-2018, trong một lần lên thăm đất thì ông phát hiện có hàng chục căn nhà đã xây dựng trên đất của mình. Bên cạnh đó, khu đất cũng bị xẻ ra thành nhiều lô nhỏ với diện tích khoảng 32 m2 và đã bán cho nhiều người khác, một số lô đã dựng sẵn gạch và rào lưới B40. Ông Long đã liên hệ xã Vĩnh Lộc A và huyện Bình Chánh nhiều lần nhưng đến nay các công trình trên vẫn chưa được xử lý. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm