Buổi giám sát của HĐND TP.HCM bị hủy và vị thế của cơ quan dân cử

(PLO)- Rất cần những thái độ trách nhiệm và dứt khoát như quyết định của người dừng cuộc giám sát trong buổi giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP với một số sở ngành vừa diễn ra.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Buổi giám sát sáng 14-4 của Ban Văn hóa xã hội HĐND TP.HCM giám sát các sở: Y tế, Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về một số chế độ chính sách phục vụ công tác phòng chống dịch, hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch COVID-19 đã bị hủy vì không có mặt đầy đủ lãnh đạo các sở. Sở Y tế sau đó đã gửi thư xin lỗi đến trưởng đoàn giám sát.

Từ câu chuyện cụ thể này đặt ra nhiều suy nghĩ về hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử cũng như cách thức vận hành của các cơ quan trong hệ thống chính trị hiện nay.

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, đã thông báo hủy buổi giám sát vào ngày 14-4 vừa qua. Ảnh: THU PHẠM

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, đã thông báo hủy buổi giám sát vào ngày 14-4 vừa qua. Ảnh: THU PHẠM

Người dân làm chủ thông qua rất nhiều các thiết chế, trong đó có cả thông qua các cơ quan hành chính Nhà nước. Đó là lý thuyết, còn thực tế cứ có quyền lực thì sẽ có tha hóa và quyền lực càng cao thì nguy cơ tha hóa càng lớn. Vì vậy, để ngăn ngừa, hạn chế việc lạm quyền của các cơ quan Nhà nước được giao quyền, cần có các cơ chế để giám sát.

Ở Việt Nam, vì tất cả các cơ quan của hệ thống chính trị đều hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng và đa phần các vị trí lãnh đạo của các cơ quan trong hệ thống chính trị là đảng viên nên có cơ chế giám sát của Đảng. Cũng vậy, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội cũng có cơ chế giám sát, cụ thể là thực hiện theo Quyết định 217 của Bộ Chính trị. Ngoài ra, người dân cũng có quyền giám sát.

Vì HĐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương nên giám sát là một trong hai chức năng cơ bản, quan trọng của HĐND các cấp. Theo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng là quyền làm chủ của Nhân dân.

HĐND sẽ thực hiện giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật ở địa phương. Thông qua giám sát, HĐND phát hiện những bất cập, hạn chế trong việc triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước để đưa ra kiến nghị nhằm bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách đã ban hành. Việc giám sát về một số chế độ chính sách phục vụ công tác phòng chống dịch, hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch COVID-19 của đoàn giám sát nêu trên là rất cần thiết trong lúc này.

Việc lãnh đạo một số sở không có mặt, theo chúng tôi có lẽ cũng không hẳn là lãnh đạo các sở này “xem thường” đoàn giám sát mà có lẽ nguyên do là ai đó đã chưa hiểu rõ hết vai trò quan trọng của HĐND. Bên cạnh đó, các hoạt động giám sát trước đây thường diễn ra theo kiểu “xuân thu nhị kỳ” và “đánh giá cao” là chủ yếu.

Sở Y tế sau vụ việc này đã rất nhanh chóng nhận sai và có thư xin lỗi gửi trưởng đoàn giám sát. Ít nhất đó là một việc làm đúng nguyên tắc và cũng là có trách nhiệm trong lúc này. Đã nhận sai chắc chắn sẽ biết cách để sửa sai, để không lặp lại sai lầm đồng thời cũng là lời nhắc nhở chung cho các cơ quan, đơn vị khác đối với những câu chuyện tương tự.

Trong câu chuyện này, người rất đáng khen ngợi và cần được ủng hộ chính là ông trưởng đoàn giám sát. Khi quyết định dừng buổi giám sát vì những lý do nêu trên, chắc chắn trưởng đoàn sẽ nhận được những tín hiệu không vui từ phía các đơn vị. Tuy nhiên việc nước, việc dân không phải là chỗ để lúc nào cũng “dĩ hòa vi quý”. Trong lúc này, rất cần những thái độ trách nhiệm và dứt khoát như vậy.

Trong câu chuyện này, với quyết định dừng buổi giám sát của trưởng đoàn với lý do không có mặt đầy đủ lãnh đạo các cơ quan được giám sát thật sự mang lại nhiều hiệu ứng tốt đẹp cho xã hội, cho đất nước, nhất là cho vai trò giám sát của HĐND các cấp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm