Cá độ đá gà ngày tết, bị xử lý sao?

(PLO)- Theo luật sư, tùy trường hợp mà hành vi cá độ đá gà có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đá gà hay còn gọi là chọi gà là trò chơi dân gian ở Việt Nam. Trước đây, trò chơi này chủ yếu phục vụ cho nhu cầu giải trí nhưng hiện nay thông qua trò chơi này, các bên tham gia thường lấy đó để thực hiện các cuộc đánh cược bằng tiền hoặc vật chất khác.

Nhất là khi dịp tết đến xuân về, các cuộc thi chọi gà ngày càng bị biến tướng, trở thành một hình thức cá cược, độ tiền phổ biến nhằm mục đích kiếm tiền.

Tang vật công an thu giữ trong một vụ đá gà bị bắt quả tang. Ảnh: ĐN

Tang vật công an thu giữ trong một vụ đá gà bị bắt quả tang. Ảnh: ĐN

Theo Luật sư Tạ Minh Trình (Đoàn luật sư TP.HCM) nếu người chơi đá gà để ăn tiền thì đây là hành vi đánh bạc trái phép. Lúc này, tùy theo mức độ vi phạm, quy mô cá cược mà những người tham gia có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, căn cứ theo điểm a khoản 2 điều 28 nghị định 144/2021/nđ-cp (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình) thì hành vi đánh bạc trái phép bằng hình thức đá gà sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng.

Ở mức độ nặng hơn, nếu người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào (như đá gà) được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 5 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm theo Điều 321 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp như có tính chất chuyên nghiệp; sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội...thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm tù.

Cạnh đó, không chỉ người tham gia đá gà mà người tổ chức đá gà cũng là hành vi tổ chức đánh bạc, gá bạc trái phép. Tương tự như hành vi đá gà, tùy mức độ nặng nhẹ mà người tổ chức đá gà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, theo khoản 4 Điều 28 Nghị định 144/2022 nêu trên, hành vi tổ chức đánh bạc như rủ rê, lôi kéo, tụ tập người khác để đánh bạc trái phép; dùng nhà, chỗ ở, phương tiện, địa điểm khác của mình hoặc do mình quản lý để chứa chấp việc đánh bạc...sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.

Ở mức độ hình sự, theo Điều 322 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

- Tổ chức cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5 triệu đồng trở lên hoặc tổ chức 2 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5 triệu đồng trở lên;

- Sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5 triệu đồng trở lên hoặc cho 2 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5 triệu đồng trở lên;

- Tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 1 lần trị giá 20 triệu đồng trở lên...

Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp như có tính chất chuyên nghiệp; sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội thì có thể bị phạt tù lên đến 10 năm tù.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm