Ca Huế là loại hình nghệ thuật diễn xướng đặc sắc, trong đó có sự hòa quyện giữa văn chương và âm nhạc, tạo nên một vẻ đẹp thơ mộng mà tinh tế, dân gian mà bác học. Được biểu diễn với các loại nhạc cụ như: tranh, tỳ, nhị, nguyệt xen với bầu, sáo và bộ gõ trống Huế,...
Một tiết mục Ca Huế - Ảnh: Thế Hải
Phát biểu tại buổi lễ, Ông Nguyễn Dung, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế nhấn mạnh “ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các ban ngành liên quan phối hợp chặt chẽ để tham mưu các thủ tục xây dựng hồ sơ khoa học Nghệ thuật Ca Huế trình Unesco xem xét, công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Nhân loại trong thời gian tới”.
Đã có hơn ba thế kỷ hình thành và phát triển trên mảnh đất Thuận Hóa-Phú Xuân (Thừa Thiên-Huế hiện nay), với sự phát triển và sức lan tỏa của Ca Huế qua nhiều thời kỳ lịch sử đã trở thành kho tàng quý báu của cả dân tộc. Ngày 8/6/2015, Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch công nhận Ca Huế là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, điều đó thể hiện sự trân trọng đối với loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của vùng đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa vật thể và phi vật thể.
Để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Ca Huế, sở Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽđẩy mạnh công tác nghiên cứu các giá trị của Ca Huế, tiếp tục giảng dạy, phổ biến Ca Huế.
Ca Huế đang ngày càng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến thưởng ngoạn, không chỉ trên sông Hương, mà còn được trình diễn ngay cả trong các thính phòng,...