Ít ai ngờ nhiều năm qua, người dân sống ở những khu phố phát triển, sầm uất tại địa bàn phường An Lạc A (quận Bình Tân, TP.HCM) lại phải sử dụng nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo chất lượng do khu vực chưa có nước máy.
Nước ngày càng nhiễm bẩn
Nhiều người ở khu phố 7 và 8 phường An Lạc A cho biết do nguồn nước ở đây ngày càng nhiễm bẩn nặng nên họ rất muốn chuyển sang sử dụng nguồn nước khác. Đưa cho chúng tôi xem ấm nước bị chuyển màu dưới đáy, chị Dư Thị Ngọc Yến (nhà ở khu phố 8) phản ánh: “Nước ở đây mới nhìn tưởng sạch nhưng nấu vài ngày là đáy ấm bám một lớp cặn đen, rửa không đi. Nước uống như thế này làm sao đảm bảo sức khỏe được”.
Anh An, nhà ở khu phố 7, chỉ cho chúng tôi xem bồn chứa nước đóng nhiều cặn trên thành vách, giải thích thêm: “Người dân ở đây thường bơm nước lên bồn cao trên trần nhà để sử dụng nên ít ai trèo lên đấy xem nước đóng cặn thế nào. Riêng nhà tôi chứa nước ngay trong nhà tắm nên nhìn cặn thấy rõ. Từ nhiều năm rồi, gia đình tôi rất muốn chuyển sang sử dụng nguồn nước sạch hơn nhưng do khu vực này chưa có nước máy, chúng tôi đành phải chấp nhận”.
Một lãnh đạo UBND quận Bình Tân xác nhận qua nhiều đợt tiếp xúc cử tri, quận luôn nhận được phản ánh của người dân ở khu phố 7 và 8 (phường An Lạc A) về chất lượng nguồn nước uống không đảm bảo. Giữa tháng 4-2016, quận đã phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát thực tế, ghi nhận người dân đang sử dụng nguồn nước do Xí nghiệp Cấp nước sinh hoạt nông thôn cung cấp. Do trạm cấp nước và hệ thống đường ống này được đầu tư vào năm 1996 nên hiện nay xuống cấp, thường xuyên xảy ra tình trạng nước đục, nước yếu và nhiễm phèn nặng.
Người dân lo ngại về nguồn nước bị đóng cặn, muốn chuyển sang dùng nguồn nước máy. Ảnh: KB
Dân phải có nước sạch!
Theo UBND quận Bình Tân, tại hai khu phố trên có 1.000 hộ dân với 6.800 nhân khẩu đang sử dụng nguồn từ hai trạm cấp nước sinh hoạt nông thôn. Trước tình trạng nguồn nước không đảm bảo chất lượng, quận đã kiến nghị UBND TP, Sở GTVT và các đơn vị cấp nước xem xét, chuyển đổi nguồn nước cho người dân. “Do khu vực này đã có hệ thống đường ống cấp nước thủy cục (nước máy) nên quận kiến nghị đấu nối nguồn nước mới cho người dân ngay trong năm 2016” - một cán bộ đô thị UBND quận Bình Tân cho biết thêm.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Lê Thị Thanh Tâm, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Chợ Lớn, cho biết: “Công ty đã nhận được chỉ đạo của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn và cũng đã thực hiện xong phần thiết kế. Khi thiết kế được phê duyệt, công ty sẽ xin giấy phép đào đường và thực hiện đấu nối hòa mạng để cung cấp nước máy cho người dân. Hiện chúng tôi cũng đang hòa mạng cho một số khu vực có nguồn nước không đảm bảo. Với những mạng lưới đường ống còn tốt thì việc đấu nối sẽ thực hiện nhanh. Còn nếu đường ống xuống cấp, cần đầu tư thay thế thì thời gian sẽ lâu hơn. Hiện nay đơn giá nước sạch do công ty cung cấp là 5.300 đồng/m3 (theo định mức 4 m3/nhân khẩu), nếu vượt định mức giá sẽ tăng thêm”.
Hơn 20 năm không có nước sạch Một số hộ dân tại hẻm 17 Văn Thân, phường 8, quận 6 (TP.HCM) cũng phản ảnh hơn 20 năm nay họ vẫn chưa có được nước sạch để sử dụng, mặc dù các khu lân cận đều đã được cấp nước sạch lâu nay. Tại con hẻm này, người dân chất đầy lu, vại để chứa nước sạch do họ mua về để dành sử dụng. Họ phải mua nước máy hằng ngày từ nhà người dân đã có nước sạch với giá 30.000 đồng một giờ bơm nước. Năm 2015, một hộ trong hẻm này có trẻ sơ sinh và chi phí mua nước sạch phục vụ việc thay, giặt đồ lên đến cả triệu đồng/tháng. Theo Công ty Cấp nước Chợ Lớn, hẻm 17 đường Văn Thân quá nhỏ nên không thể đào đường ống nước dưới lòng đất. Ngoài ra, chạy dọc hẻm này là bức tường dài của một công ty đang bị nghiêng, việc đào đất có thể khiến bức tường đổ sụp bất cứ lúc nào. Do vậy công ty không thể lắp đặt đường ống nước lớn kéo vào từng nhà riêng biệt cho người dân. Tuy vậy, thời gian tới công ty sẽ hỗ trợ người dân lắp đặt đồng hồ tổng và đưa nước vào từng hộ bằng ống nhựa loại nhỏ. Sớm cấp nước cho những nơi ô nhiễm Văn phòng Thành ủy TP.HCM đã có công văn truyền đạt chỉ đạo của Bí thư Đinh La Thăng về việc cung cấp nước sạch cho người dân TP. Theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đảm bảo đến cuối tháng 11-2016 phải đạt được chỉ tiêu 100% hộ dân được sử dụng nước sạch. Trong đó, các khu vực có nguồn nước bị ô nhiễm cần ưu tiên thực hiện trước. |