Ngày 14-10, Chính phủ ban hành Nghị quyết 127/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2021 về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và chín tháng từ đầu năm 2021.
Khẩn trương hoàn thiện dự thảo thay thế Nghị định 64/2008
Một trong những nhiệm vụ được Chính phủ giao Bộ Tài chính là: Rà soát các quy định về quản lý tài chính đối với hoạt động vận động gây quỹ từ thiện; kịp thời có giải pháp chấn chỉnh, tăng cường quản lý, bảo đảm công khai, minh bạch, giải quyết các vấn đề bức xúc, dư luận xã hội quan tâm; báo cáo đề xuất Thủ tướng trước ngày 15-10-2021.
Đồng thời, Bộ Tài chính được giao khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 64/2008 về “vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo”, trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Theo dự thảo, cá nhân vận động quyên góp từ thiện thống nhất với người đóng góp để có phương án phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện còn dư. Trong ảnh: Nhóm từ thiện ở TP.HCM tổ chức phát quà cho bà con gặp khó khăn trong dịch COVID-19. Ảnh: VIỆT HOA
Điểm đáng lưu ý nhất trong dự thảo này là quy định về việc vận động, tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện của cá nhân, thay vì chỉ có cơ quan của Nhà nước như trong Nghị định 64/2008.
Dự thảo nghị định đã đề cập đến đối tượng áp dụng là “cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo”.
Để thực hiện công tác nói trên, theo dự thảo, cá nhân phải thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật), thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến UBND cấp xã nơi cư trú theo mẫu thông báo.
UBND cấp xã có trách nhiệm lưu trữ để theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.
Tổ chức nhà nước không được lấy tiền vận động để chi phí Dự thảo quy định kinh phí thực hiện nhiệm vụ vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện từ nguồn kinh phí hoạt động hằng năm của cơ quan, đơn vị; nếu phát sinh chi phí thì phải báo cáo để trình cấp có thẩm quyền bổ sung kinh phí. Không sử dụng nguồn tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện tiếp nhận được để chi trả các khoản chi phát sinh của tổ chức, cơ quan, đơn vị; trường hợp được các tổ chức, cá nhân đóng góp đồng ý thì được chi từ nguồn đóng góp tự nguyện nhưng phải tổng hợp và công khai khoản chi phí này. |
Phải mở tài khoản riêng, đóng tài khoản khi kết thúc vận động
Dự thảo yêu cầu cá nhân mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại để tiếp nhận đóng góp, bố trí địa điểm để tiếp nhận hiện vật. Kết thúc thời gian tiếp nhận như thông báo thì đóng tài khoản.
Phân phối tiền và hiện vật, cá nhân sẽ thông báo cho UBND cấp xã nơi tiếp nhận trước ba ngày và phối hợp xác định phạm vi, đối tượng, mức, thời gian hỗ trợ và thực hiện phân phối. UBND cấp xã nơi tiếp nhận phải phối hợp, hướng dẫn cá nhân và cử lực lượng phối hợp tham gia phân phối tiền, hiện vật.
Theo dự thảo, cá nhân vận động quyên góp từ thiện thống nhất với người đóng góp để có phương án phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện còn dư. Cá nhân phải tự chi trả chi phí cho hoạt động vận động, tiếp nhận và phân phối, sử dụng tiền, hiện vật tự nguyện. Nếu người đóng góp đồng ý thì mới được lấy nguồn đóng góp tự nguyện trả chi phí cho các hoạt động liên quan và phải công khai khoản này.
Các khoản đóng góp này không tổng hợp vào ngân sách nhà nước. Còn việc hỗ trợ sửa chữa, xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, mua sắm trang thiết bị thì các tổ chức, cơ quan, đơn vị tiếp nhận, phân phối, sử dụng thực hiện theo nguyên tắc quản lý tài chính tại nghị định.
Nếu cơ quan hành chính, sự nghiệp công lập nhận công trình hạ tầng thiết yếu, trang thiết bị từ nguồn đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động thì xác định giá trị và quản lý tài sản theo quy định pháp luật về tài sản công.
Theo nguyên tắc công khai, minh bạch, dự thảo quy định cá nhân phải lập sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện. Đồng thời, công khai trên các phương tiện truyền thông và gửi kết quả bằng văn bản tới UBND cấp xã nơi cư trú để niêm yết công khai trong 30 ngày.
Cần sớm hợp pháp hóa việc cá nhân kêu gọi từ thiện Trong văn hóa của người Việt Nam, tinh thần tương thân tương ái luôn được đề cao. Câu chuyện người giúp nhau chén cơm, nhúm gạo lúc khó khăn, hoạn nạn dường như chẳng còn quá xa lạ. Khi xã hội càng thay đổi, nhiều giá trị tinh thần bị lãng quên thì cái nghĩa “nhiễu điều phủ lấy giá gương” vẫn được phát huy là một điều đáng mừng. Tuy nhiên, khi giá trị của những vật chất quyên tặng ngày càng lớn thì giữa người cho tặng, người nhận và người thực hiện việc từ thiện đòi hỏi càng phải có sự rõ ràng. Thời gian dài vừa qua, nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng kêu gọi từ thiện đã bị gọi tên, yêu cầu sao kê tài khoản vì hoài nghi có sự thiếu minh bạch. Từ những việc làm nhân văn, phát huy được nguồn lực xã hội kịp thời giúp đỡ người dân vượt qua lúc khó khăn, thiên tai, dịch bệnh… thì giờ đây việc từ thiện trở thành vấn đề bàn tán với nhiều ý kiến tiêu cực. Nhìn nhận từ góc độ luật pháp thì những ồn ào về việc làm từ thiện của nghệ sĩ, người nổi tiếng có hai nguyên nhân lớn. Thứ nhất, Điều 5 Nghị định 64/2008 chỉ cho MTTQ và Hội Chữ thập đỏ… hay nói cách khác là cơ quan nhà nước được phép tiếp nhận, phân phối nguồn lực thiện nguyện. Theo quy định này thì các chủ thể khác ngoài các chủ thể nêu trên không được phép tiếp nhận, phân phối nguồn lực thiện nguyện. Cách quy định như trên là không phù hợp thực tiễn vì rõ ràng là năng lực tiếp nhận và phân phối các nguồn lực từ thiện của các chủ thể này có giới hạn, trong khi nhu cầu được cứu trợ, hỗ trợ của người dân là rất cao. Vì vậy, thời gian qua đã xuất hiện các cá nhân kêu gọi đóng góp và phân phối nguồn lực đóng góp thiện nguyện. Dù hành vi này không phù hợp với quy định nhưng lại có lợi cho người gặp khó khăn. Thứ hai, khi cá nhân sử dụng tài khoản của mình để kêu gọi và tiếp nhận đóng góp từ thiện, theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng thì ngân hàng chịu trách nhiệm bảo mật thông tin cá nhân của khách hàng. Do vậy, việc kiểm soát tiền đến, tiền đi như thế nào, khách hàng chỉ có thể cung cấp cho chủ tài khoản hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Từ đây bắt nguồn cho sự nghi ngờ về những tài khoản cá nhân làm từ thiện không minh bạch thông tin và gây mất niềm tin cho những người ủng hộ từ thiện, gây nên sự lo lắng cho những người kêu gọi từ thiện vì điều đó có thể ảnh hưởng đến uy tín cá nhân của họ. Do có những bất cập trong hoạt động kêu gọi, quyên góp thiện nguyện của cá nhân nên nhà làm luật cần sớm hợp pháp hóa việc cá nhân, tổ chức tư được phép kêu gọi từ thiện để tăng sự hỗ trợ cho người dân các vùng gặp thiên tai, khó khăn. Điều này giúp xã hội hóa hoạt động cứu trợ tốt hơn. Đồng thời, Nhà nước cần xây dựng cơ chế kiểm soát pháp lý các tài khoản từ thiện bằng cách cho phép xuất hiện quỹ tín thác (Trust) từ thiện. Quỹ này cần được quản lý và điều hành công khai bởi nhiều chủ thể, chứ không chỉ một mình người kêu gọi từ thiện. Từ đó việc kêu gọi từ thiện trở nên minh bạch hơn, sức lan tỏa tốt hơn để huy động nguồn lực xã hội giúp đỡ nhiều hơn cho những hoàn cảnh khó khăn. TS ĐOÀN THỊ PHƯƠNG DIỆP, Trưởng bộ môn Luật dân sự Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM |