Sự kiện này rất được báo giới và công chúng quan tâm vì đây là live show đầu tiên của Y Moan sau 35 năm ca hát nhưng nó còn đặc biệt hơn là vì diễn ra ngay khi anh mới xuất viện không lâu cùng những lời đồn đoán về căn bệnh hiểm nghèo .
Trước khi diễn ra live show này hơn một tháng, chúng tôi có dịp ghé thăm anh tại nhà riêng ngay khi anh vừa xuất viện. Tại ngôi nhà sàn nho nhỏ của mình ở buôn Đha Prong ven TP Buôn Ma Thuột, dù hôm ấy mới xuất viện, chỉ may trên vết mổ ở bụng vẫn chưa cắt nhưng Y Moan vẫn không ngừng kể về những kỷ niệm trong cuộc đời ca hát và những dự án âm nhạc còn dang dở. Sở dĩ live show Ngọn lửa cao nguyên được tổ chức tại Hà Nội vì nơi đây đã để lại cho anh nhiều kỷ niệm ngay từ khi mới bước vào con đường ca hát.
Chuyến đi mở đường cho nhiều cái đầu tiên
Trong cuộc đời ca hát của mình, không thể đếm được bao nhiêu lần Y Moan đã đem giọng ca đại ngàn của của mình đến với nhân dân thủ đô. Song cái lần đầu tiên được hát ở Hà Nội sau ngày đất nước thống nhất để lại cho anh nhiều dấu ấn.
“Chuyến đi ấy xóa tan những ý nghĩ lâu nay của người ở đồng bằng cho rằng Tây Nguyên là vùng cưa răng căng tai. Lần đầu tiên người dân thủ đô được biết đến âm nhạc của Tây Nguyên là thế nào” - Y Moan tâm sự.
Cũng từ chuyến đến Hà Nội đầu tiên này, âm nhạc Tây Nguyên và các vùng miền khác trong cả nước đã có sự giao thoa. Thời kỳ đó còn có một ca sĩ người Tây Nguyên nữa là Rơ Chăm Pheng (người Gia Lai) cũng rất nổi đình nổi đám. Y Moan coi chị vừa là người chị, vừa là người thầy của mình. Tuy nhiên, sau năm 1975, Rơ Chăm Pheng được ra Hà Nội rồi đi Nga học và theo dòng nhạc thính phòng. Vì vậy, ban đầu hát theo phong cách nhạc nhẹ về Tây Nguyên cũng chỉ có Y Moan theo đuổi và anh cũng là người đầu tiên khai phá.
Sau này, Y Moan gặp nhạc sĩ Nguyễn Cường, nhạc sĩ Trần Tiến…, những bài ca rực lửa Tây Nguyên cứ dần vang lên. Rồi từ lúc nào không biết đã hình thành một dòng nhạc gọi là Rock Tây Nguyên. Dòng nhạc này đã thành một tên gọi quen thuộc mà nhiều nghệ sĩ đàn em sau này vẫn tiếp tục dấn thân theo đuổi.
Sức khỏe yếu nhưng giọng ca cất lên vẫn rực lửa. Ảnh: YÊN THẢO
Y Moan kể chính nhờ chuyến đi, anh hát, đưa cồng chiêng vào đệm hát mà nhiều người biết đến cồng chiêng Tây Nguyên hơn. Sau đó, anh có vinh dự được đi với nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Giáo sư Trần Văn Khê để nói chuyện về cồng chiêng. Đó có thể coi là những đóng góp ban đầu để quảng bá về văn hóa cồng chiêng, đặt nền tảng để sau này UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
“Chết trên sân khấu cũng phải hát!”
Trở lại thủ đô lần này, chàng Đam San Y Moan không còn dũng mãnh như ngày đi tìm nữ thần mặt trời Minh Ngẫu ở tận Thái Bình để cướp về làm vợ. Anh sụt đi những 20 kg, đi lại phải có người dìu dắt. Nhìn sắc mặt tái nhợt của anh, những người yêu mến đến xem anh tập lo ngại anh sẽ không thể hát được, vậy nhưng khi nghe anh cất tiếng hát “Anh muốn sống bên em trọn đời” thì tất cả khán phòng lặng đi sửng sốt. Người ta không thể tin một người hàng tháng liền không có hạt cơm trong bụng lại vẫn có thể hát đầy nội lực và bỏng cháy như ngày nào.
Còn nhạc sĩ Nguyễn Cường đứng bật dậy vỗ tay không ngớt: “Moan hát còn hay hơn cả mấy chục năm trước”. Theo nhạc sĩ Nguyễn Cường, Y Moan xử lý ca khúc rất tinh tế, sâu sắc hơn và có hồn hơn. Suy cho cùng, hát là tâm hồn hát chứ đâu phải cái giọng hát, cái sức hát. “Nhiều người nghĩ có sức mới hát khỏe được nhưng khi tâm hồn anh rỗng tuếch, anh gào lên là chết ngay” - nhạc sĩ Nguyễn Cường nhận định. Điều đó lý giải tại sao bệnh dù cướp đi sức khỏe của anh nhưng vẫn không tài nào giết chết được ngọn lửa đam mê trong tâm hồn anh.
Đâu đó, khóe mắt một người hâm mộ đến xem anh tập bỗng ái ngại khi Y Moan ngưng tập, ra ngoài nôn đi ngụm nước vừa uống cầm sức. Không ít phen người xem phải thót tim khi anh ngưng hát, đấm tay thùm thụp vào ngực mình. Y Garia lấy tay xoa lưng cho ba. Sợ ba cao hứng hát quá sức, Y Vol cứ đứng sau chực giành micro thì bị anh mắng: “Để ba hát. Các con chỉ hát bè thôi. Để ba hát, có nghe không?”. Ca sĩ Mỹ Linh thỏ thẻ: “Bài này chuyển tông để con hát chính, ba dành sức cho đêm diễn”. “Mặc kệ, hát luôn. Chết trên sân khấu cũng phải hát. Được chết trên sân khấu là vinh quang lớn nhất đời ba rồi”.
Sáng hôm qua, trông anh có vẻ yếu hơn nhiều. Anh không nói được nhiều và những lời anh nói đều dành cho các con mình. “Các con phải hát bằng tâm hồn chứ không phải gào thét. Cả thủ đô đang chờ đợi các con!”.
Anh nghiêm khắc với hai con mình không phải vì mong muốn họ trở thành những người nổi tiếng mà anh sợ họ không nghiêm túc với nghề, không thể thay anh đem văn hóa Tây Nguyên đi khắp mọi miền đất nước qua những bài hát về Tây Nguyên bất diệt.
Y Moan tâm sự: “Tôi không sợ không có tiền, không sợ nghèo vì tôi chịu nghèo quen rồi. Điều tôi sợ nhất là mất văn hóa bởi mất văn hóa là mất dân tộc”.
Không còn đủ sức để cầm đàn hát một lúc 20 bài như anh đã từng hát cho đồng bào Ê Đê nghe giữa thảo nguyên bao la, giờ anh chỉ có thể hát từng bài một. Xót xa biết chừng nào khi ông trời ban cho anh một âm vực rộng, một giọng ca đại ngàn mà bây giờ anh phải chắt chiu, dành dụm từng tí hơi một để đủ sức cho live show đầu tiên trong đời. Và đêm nay, ngọn lửa cao nguyên ấy sẽ bốc cháy, cháy như chưa bao giờ được cháy ở giữa thủ đô này.
Một phù thủy làm bếp 7-8 năm về trước, thỉnh thoảng tôi có dịp ngồi uống rượu với Y Moan tại khu nhà tập thể của Đoàn nghệ thuật ca múa Dăk Lăk. Khi ấy Y Moan vẫn chưa có nhà riêng. Ngồi uống rượu dưới gốc mít, anh thường hóm hỉnh gọi mình là “nghệ sĩ gốc mít”. Nay cuộc sống ổn định hơn, gia đình anh đã có một nơi chốn riêng đi về. Trong ngôi nhà này, bạn bè, anh em thường tụ tập để thưởng thức tài nghệ nấu những món dân dã của đồng bào Ê Đê do chính tay anh làm. Nhiều người lúc đầu nhìn những món này thấy lạ quá, sợ không dám ăn. Nhưng ai cũng phải gật gù công nhận rằng một khi đã đụng đũa vào là ghiền không chịu nổi. Món ăn có một không hai phải kể đến là món trứng kiến bọ nhọt. Món này bây giờ hơi hiếm nhưng thời bao cấp thì bạn bè Y Moan thường xuyên được thết đãi. Muốn có trứng kiến thì phải đi câu kiến, mà cách câu của Y Moan cũng thú vị lắm. Y Moan cầm cái cọng cỏ cứng tới tổ kiến chọc xuống cho kiến thấy động ngoi lên. Cả đám kiến bu vào cọng cỏ ấy. Anh cầm theo sẵn cái lon nhỏ, gạt bọn kiến vào trong lon. Câu một lúc thì hết kiến. Lúc này Y Moan mới bới tổ kiến lên tìm trứng kiến. Trứng kiến màu trắng đục, bé cỡ 1/3 ngón tay út, ăn beo béo, chua chua! Món trứng kiến bây giờ gần như đã là chuyện của dĩ vãng. Nhưng có một món mà mỗi khi bạn bè muốn nhậu thường hay bảo nhau về nhà bắt một con gà lên nhờ Y Moan làm. Đó là món gà nướng ống tre, một món rặt kiểu Ê Đê. Đầu tiên, anh nhúng nước cho gà chết chứ không cắt tiết như kiểu người Kinh vẫn làm. Y Moan bảo cắt tiết thì gà không còn ngọt nữa. Sau đó đem thui cho lông cháy hết, rồi đem ra vặt nốt những sợi lông còn dính trên mình gà, rửa sạch, chặt thành miếng nhỏ vừa ăn, nhồi hết vào ống nứa, dùng lá chuối nút ống nứa lại rồi đem vùi vào bếp lửa. Nhắm thịt gà đã chín thì bỏ ra, tháo nút lá chuối, dốc đổ thịt gà ra đĩa. Thịt gà trắng nõn như thịt heo, thơm phức. Lúc này các bạn nhậu chỉ cần dầm một chén muối ớt theo kiểu của người dân tộc là có thể đánh bay cả ché rượu cần. |
MẠNH HÀ - YÊN THẢO