Ông Nguyễn Đức Hải cho rằng, việc chuyển từ thu phí sang thu giá thì vấn đề chỉ liên quan đến thuật ngữ. Về bản chất thu phí hay thu giá vẫn phải đảm bảo nguyên tắc là đúng thẩm quyền và phải có phương án tính toán hợp lý lợi ích của cả hai phía, nhà đầu tư và của người sử dụng dịch vụ.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải
Việc chuyển từ phí sang giá thể hiện sự vận động theo cơ chế thị trường, theo quan hệ cung cầu. Tức là trong cơ chế thị trường, nhà đầu tư phải có sự tính toán cho phù hợp. “Nhưng như tôi đã nói, bên cạnh việc đảm bảo lợi của nhà đầu tư cũng phải đặc biệt quan tâm đến lợi ích của người dân địa phương”- ông Hải nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách, thực tế, dù là thu giá theo cơ chế thị trường thì vẫn có sự kiểm soát của nhà nước. “Trước hết, Bộ GTVT phải có trách nhiệm với người dân vì quản lý trực tiếp ngành giao thông. Sau đó, Bộ Tài chính và các ngành liên quan cũng phải kiểm soát, dù theo cơ chế thị trường”- ông Hải nói.
“Về bản chất, nếu tham gia giao thông trên các tuyến đường BOT, người dân cũng có quyền lựa chọn đi theo tuyến đường phù hợp khác. Và người dân cũng phải có ý kiến khi nhà đầu tư đề xuất các phương án tăng giá”- ông Hải nói thêm.
Trong khi đó, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách Lê Thanh Vân cho rằng, Luật Giá có quy định cách tính giá dịch vụ và chi phí bỏ ra nhưng phải chịu sự quản lý của Nhà nước.
“Không phải anh cứ bỏ ra chi phí ban đầu ở mức độ nào đó nhưng lại đi thu phí ngất ngưởng, quá sức chịu đựng của người dân”- ông Vân nêu quan điểm và cho rằng, Luật Giá chính là công cụ quản lý giá dịch vụ, giá trị hàng hoá mà Nhà nước đặt ra để đảm bảo sự bình đẳng và lợi ích của các bên, trong đó có bảo vệ lợi ích của nhân dân.
Như vậy buộc chủ thể tham gia kinh tế phải tính toán đến lợi ích nhiều mặt, trong đó có lợi ích của mình.
Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Thanh Vân
“Trong câu chuyện chuyển từ phí sang giá, tôi nghĩ không phải vì mục đích lách luật, mà cái chưa chuẩn ở đây chỉ nằm về vấn đề từ ngữ, trong việc sử dụng thuật ngữ mới. Giá là thuật ngữ đo lường giá trị hàng hoá, dịch vụ. Nếu đặt lại tên trạm thu giá thì không có từ nào như thế trong từ điển, và người dân phản ứng vì muốn ngôn ngữ pháp lý phải chuẩn mực chứ không phải dân phản ứng vì đánh tráo khái niệm hay vì một lợi ích gì đó”- ông Vân nói.
ĐBQH Đỗ Văn Sinh, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế, cho rằng, trong câu chuyện về phí hay giá, xét về tổng thể, chúng ta phải rà soát tất cả những khoảng trống về mặt pháp lý để làm sao chi phí xã hội cho người dân và DN minh bạch nhất, đặc biệt là các dịch vụ công.
Riêng về BOT giao thông, tài sản này thực chất theo Luật quản lý tài sản, là tài sản công, đã là tài sản công thì việc định giá phải do nhà nước quản lý. Nhưng với BOT, lâu nay doanh nghiệp bỏ vốn ra đầu tư, nhà nước giao quyền cho các chủ dự án được quyền thu phí để hoàn vốn lại vốn đầu tư ban đầu của họ.
ĐBQH Đỗ Văn Sinh, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế
Để xác định mức phí, như trước kia, người ta tính phương án tài chính xem lưu lượng xe trên quãng đường đó là bao nhiêu xe một ngày, và mức phí bao nhiêu thì vòng đời của dự án sẽ được xác định. Nếu vòng đời ngắn, thu mức phí sẽ cao và ngược lại, thời gian thu phí dài thì chi phí thấp. Nhưng quyết định cuối cùng về vấn đề vẫn thuộc về phía cơ quan quản lý Nhà nước.
Theo nguyên tắc lâu nay, việc ban hành, quản lý giá hay điều hành giá đều có sự chấp thuận của cơ quan quản lý Nhà nước, sau đó các chủ DN mới được thu dựa trên quyết định đó.
Trước đây khi áp dụng thu phí do HĐND quyết định, nay chuyển sang giá cũng chỉ là chuyển vai trò, trách nhiệm từ HĐND sang Bộ GTVT. Như vậy ở đây đều là cơ quan quản lý nhà nước của Chính phủ để đảm bảo quyền lợi của nhân dân.
Cạnh đó, khi cơ quan hành pháp thực thi pháp luật, các cơ quan giám sát được quyền giám sát, như Quốc hội vẫn giám sát Chính phủ. Chúng ta không bao giờ bỏ khâu giám sát.
“Bản chất trong việc này không thay đổi. Trước kia thu phí BOT giao thông do Bộ Tài chính ban hành mức chứ không phải địa phương ban hành. Nay chuyển sang giá, nhiệm vụ này lại được chuyển sang cho Bộ GTVT. Trước kia khi quyết định mức phí, Bộ Tài chính phải ngồi lại với các địa phương bàn bạc, thống nhất rồi mới quyết định mức thu, thì giờ với Bộ GTVT cũng như vậy thôi”- ông Sinh giải thích.
Cũng theo ông Sinh, dù là đơn vị nào cũng đều có trách nhiệm trước dân. HĐND ở địa phương hay Bộ GTVT cũng đều phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, chứ không có số liệu nào chứng minh rằng, nếu để HĐND địa phương quyết định tốt hơn hay để Bộ GTVT quyết định thì tốt hơn.
“Giờ chúng ta phải cùng nhau thực hiện vai trò giám sát, để người dân và DN bỏ tiền ra sẽ được hưởng một dịch vụ tương xứng. Đó là mục đích cuối cùng”- Ủy viên Ủy ban Kinh tế nói và cho rằng, bản chất chuyển từ phí sang giá cũng vẫn có sự quản lý của Nhà nước chứ không thể buông lỏng.
“Cũng không phải anh là doanh nghiệp đầu tư, anh thích tăng bao nhiêu thì tăng, thích giảm bao nhiêu thì giảm. Chúng ta có cả hệ thống và đầy đủ công cụ để quản lý, giám sát việc này”- ông Sinh kết luận.