Sáng nay, 15-11, Quốc hội bắt đầu chất vấn bốn bộ trưởng thuộc bốn nhóm vấn đề đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định đưa ra chất vấn tại hội trường.
Mỗi đại biểu chỉ tranh luận một lần
Các phiên chất vấn trong 2,5 ngày từ 15 đến 17-11 sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý đại biểu chất vấn thẳng vào trách nhiệm.
Trong phần phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Phiên chất vấn các bộ trưởng Công Thương, TN&MT, GD&ĐT, Nội vụ sẽ chính thức bắt đầu từ hôm nay, 15-11.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý các đại biểu đặt câu hỏi ngắn gọn, đề cập thẳng đến trách nhiệm của các bộ trưởng, không giải thích, bình luận và không hỏi nhằm lấy thông tin. “Các đại biểu không hỏi theo cách: Xin Bộ trưởng cho biết. Mỗi câu hỏi không quá hai phút và mỗi đại biểu chỉ tranh luận một lần để dành thời gian cho các đại biểu khác”.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho hay có ý kiến đề nghị kéo dài thời gian chất vấn. Tuy nhiên, căn cứ tình hình thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định giữ nguyên thời gian chất vấn là 2,5 ngày.
Kết quả giám sát còn hạn chế
Sau khi Chủ tịch Quốc hội phát biểu khai mạc, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đã trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII.
Bà Hải nêu trong công tác giám sát, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội luôn tích cực, chủ động thực hiện kế hoạch giám sát gắn với việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và với những vấn đề bức xúc đang được đông đảo cử tri và xã hội quan tâm.
Các kết luận giám sát cũng rất thẳng thắn nêu những tồn tại, hạn chế, từ đó yêu cầu Chính phủ, các ngành, các cấp cần tiếp tục có giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và giải quyết tốt hơn những yêu cầu, kiến nghị của cử tri.
Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải nêu: Hiệu quả giám sát của Quốc hội còn chưa cao. Ảnh: CHÂN LUẬN
Tuy vậy, hoạt động giám sát cũng được bà Hải thừa nhận còn có nhiều hạn chế. Đơn cử như một số nội dung được nhiều cử tri quan tâm, kiến nghị các cơ quan của Quốc hội tổ chức giám sát là giám sát quản lý, sử dụng ngân sách; giám sát việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh vẫn chưa được quan tâm tổ chức thực hiện thường xuyên.
Trong quá trình giám sát, việc đánh giá kết quả tổ chức thi hành luật, pháp lệnh của cơ quan có thẩm quyền nhiều khi còn chung chung, chưa xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người đứng đầu chịu sự giám sát.
Bên cạnh đó, việc theo dõi, đôn đốc, giám sát công tác tổ chức thực hiện các kết luận giám sát, nghị quyết của Quốc hội về giám sát còn chưa được quan tâm đúng mức nên hiệu quả giám sát còn chưa cao.
Trách nhiệm gây oan sai đã được xử lý
Đặc biệt, TAND Tối cao đã nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết và trả lời 04/04 kiến nghị của cử tri. Trong đó, các kiến nghị về bồi thường oan sai; về xem xét lại một số vụ án,... đều đã đã được lãnh đạo liên ngành TAND Tối cao, Bộ Công an, VKSND Tối cao xem xét, đánh giá một cách thận trọng, khách quan, toàn diện; đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng xét xử các vụ án và triển khai tại tòa án các cấp. Đối với trường hợp để xảy ra oan, sai đã xác định rõ trách nhiệm của cá nhân để xem xét, xử lý đúng quy định của pháp luật.
Bà Hải cho hay từ sau kỳ họp thứ 10 đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, 63 đoàn đại biểu Quốc hội đã tổ chức 823 cuộc tiếp xúc cử tri, tổng hợp 2.613 kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội.
Sau khi phân loại, xử lý các kiến nghị trùng, không rõ nội dung, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, còn 914 kiến nghị.
Nội dung kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, trong đó tập trung chủ yếu vào 08 nhóm vấn đề chính là: nông nghiệp, nông dân, nông thôn; giải quyết việc làm và an sinh xã hội; văn hóa, giáo dục, y tế; kế hoạch, đầu tư, tài chính và ngân sách; sản xuất, kinh doanh, quản lý thị trường; giao thông vận tải, quản lý xây dựng; tài nguyên và môi trường; xây dựng nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật và hoạt động của các cơ quan tư pháp.