Các hãng ô tô chưa mặn mà để lập trung tâm đăng kiểm

(PLO)- Dù được tạo điều kiện để kinh doanh dịch vụ kiểm định xe nhưng nhiều cơ sở bảo dưỡng ô tô chưa mặn mà vì một số quy định còn khá khắt khe.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 30/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 139/2018 quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới với nhiều điểm mới. Theo nghị định này, đơn vị đăng kiểm xe cơ giới có thể là đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp (DN) hoặc hợp tác xã.

Cơ sở kinh doanh vận tải, bảo dưỡng ô tô có thể tham gia kiểm định

Theo Nghị định 30/2023, đơn vị đăng kiểm xe cơ giới là đơn vị sự nghiệp công lập, DN hoặc hợp tác xã được thành lập theo quy định của pháp luật, cung cấp dịch vụ công thực hiện công tác kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định cho xe cơ giới.

Theo đó, tổ chức đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, cơ cấu tổ chức, nhân lực theo quy định tại nghị định này và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đơn vị đăng kiểm do Bộ GTVT ban hành được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới.

Nghị định 30 cũng nêu rõ các quy định về điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực. Trong đó, điều kiện về cơ sở vật chất gồm mặt bằng đơn vị đăng kiểm là nơi dùng để bố trí các công trình phục vụ việc kiểm định xe cơ giới trên cùng một khu đất, có diện tích được quy định.

Xưởng, dây chuyền kiểm định phải được bố trí, lắp đặt các thiết bị kiểm tra và dụng cụ kiểm tra phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, đảm bảo kiểm tra được đầy đủ các hệ thống, tổng thành, chi tiết của xe cơ giới tham gia giao thông. Qua đó, đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Giao thông đường bộ. Như vậy, so với Nghị định 139/2018, điều kiện về cơ sở vật chất không thay đổi.

Theo Nghị định 30, các cơ sở kinh doanh vận tải, bảo dưỡng ô tô có thể tham gia kiểm định nếu đủ điều kiện. Ảnh: TN

Theo Nghị định 30, các cơ sở kinh doanh vận tải, bảo dưỡng ô tô có thể tham gia kiểm định nếu đủ điều kiện. Ảnh: TN

Nghị định 30 cũng sửa đổi, bổ sung điều kiện về cơ cấu tổ chức, nhân lực. Theo đó, cơ cấu tổ chức của đơn vị đăng kiểm phải có tối thiểu các bộ phận sau: Bộ phận lãnh đạo gồm giám đốc, phó giám đốc hoặc phụ trách đơn vị đăng kiểm để tổ chức quản lý, điều hành đơn vị đăng kiểm. Trong đó có tối thiểu một lãnh đạo đơn vị đủ điều kiện ký giấy chứng nhận kiểm định.

Bộ phận kiểm định gồm phụ trách bộ phận kiểm định, đăng kiểm viên để thực hiện kiểm tra, đánh giá tình trạng kỹ thuật của phương tiện. Bộ phận văn phòng gồm nhân viên nghiệp vụ và các nhân viên khác để thực hiện các công việc văn phòng, hỗ trợ hoạt động kiểm định.

Nhân lực của đơn vị đăng kiểm gồm tối thiểu một lãnh đạo có đủ điều kiện theo quy định, tối thiểu một phụ trách bộ phận kiểm định. Dây chuyền kiểm định phải có tối thiểu hai đăng kiểm viên bảo đảm thực hiện đủ các công đoạn kiểm định. Ngoài ra, có nhân viên nghiệp vụ để thực hiện các công việc quy định.

DN chưa mặn mà

Ông Huỳnh Minh Châu, Phó Giám đốc Hyundai Đông Sài Gòn, nhận định đây là một chính sách hay, phù hợp. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước cũng nên có văn bản hướng dẫn cụ thể các hãng xe muốn tham gia thì cần trang bị như thế nào, nhân sự cũng như thủ tục cấp phép ra sao.

“Hơn nữa, trong thời điểm hiện tại thị trường ô tô đang gặp khó khăn như bán chậm, hàng tồn kho nhiều, phải bán lỗ, cũng như lượng khách bảo dưỡng xe thấp. DN gặp khó nên chưa có ai tính đến phương án đầu tư tham gia đăng kiểm vào lúc này” - ông Châu nói.

Cũng theo ông Châu, hiện các DN khác cũng đang nghiên cứu và nghe ngóng thêm, đồng thời sẽ nghiên cứu để chờ thời điểm phù hợp sẽ đề xuất với chủ đầu tư về việc kiểm định xe cơ giới.

Đại diện một đại lý Mitsubishi tại TP.HCM cho rằng để được kiểm định xe, các đại lý đòi hỏi thời gian chuẩn bị khá lâu. Vì các đơn vị muốn được kiểm định xe cũng đòi hỏi có phần mềm để lấy dữ liệu từ ngành đăng kiểm để in tem, rà soát phí đường bộ. Toàn bộ hệ thống phải liên kết với nhau để tạo nên sự đồng bộ.

“Cái cần của đại lý là đội ngũ kỹ thuật, đội ngũ giám sát, trang bị cơ sở vật chất cũng đòi hỏi theo quy định của ngành đăng kiểm. Để chuẩn bị được những điều kiện này phải mất một khoảng thời gian khá lâu” - vị này cho hay.

Vị đại diện cũng cho biết thêm: “Dù được đào tạo theo quy trình nhưng tôi nghĩ thời gian đầu Cục Đăng kiểm cũng cho người xuống các đại lý hỗ trợ để đảm bảo việc thực hiện kiểm định xe không bị sai sót, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân”.•

Nên nới lỏng điều kiện để doanh nghiệp đầu tư

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM, nhận định đây là một giải pháp mới, tiến bộ và được người dân, DN hoan nghênh. Tuy nhiên, cơ quan nhà nước đã mở rộng cho DN tư nhân đầu tư thì không nên quá khắt khe về các điều kiện.

“Các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng ô tô đa số đều ở khu vực TP, đô thị, nếu đòi hỏi về diện tích mặt bằng, vị trí phải đấu nối với các công trình giao thông, yêu cầu theo quy định thì rất khó thực hiện” - ông Tính nói.

Cũng theo ông Tính, về mặt nhân sự cũng nên nới lỏng hơn, ví dụ các kỹ sư đào tạo ngành sửa chữa ô tô thì giờ chỉ cần thực tập 5-6 tháng là có thể thực hiện được rồi. Đặc biệt, trong điều kiện khó khăn này có thể mở các lớp cấp tốc để giải quyết các khủng hoảng hiện nay.

“Thông thường nghị định của Chính phủ sẽ có thêm thông tư hướng dẫn, nói rõ về những điều kiện cho người dân và DN thực hiện. Các DN nên chờ thêm thông tư để các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng có thuận lợi để đầu tư” - chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm