15.000 tỉ đồng các ngân hàng thương mại trên cả nước đã đổ vào đầu tư chuyển đổi số là con số được ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chia sẻ trong tọa đàm chiều 28-9, do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức.
"Đại dịch COVID-19 đã rút ngắn chuyển đổi số ngành ngân hàng, cả ngân hàng và người dân đều được hưởng lợi điều này" - ông Lê Anh Dũng đánh giá.
Theo NHNN, 95% ngân hàng trên cả nước đã xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Các công nghệ thời 4.0 như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn đã được các nhà băng tiếp cận, ứng dụng thành sản phẩm thân thiện với người dùng.
Các đại biểu tham dự tọa đàm. Ảnh: NHNN |
Với tổng mức đầu từ cho chuyển đổi số đến thời điểm này là 15.000 tỉ đồng, ngành ngân hàng đã thu được những thành quả rất tích cực. Việt Nam là một trong những nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu khi tỷ lệ tăng trưởng 40% chỉ trong thời gian ngắn.
Đồng tình với góc nhìn của cơ quan quản lý, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tự tin rằng ngành ngân hàng là ngành đầu tiên đi trước một bước về chuyển đổi sổ. Thành quả đã gặt hái ngay trong giai đoạn khó khăn của đại dịch COVID-19: chuyển đổi số đã góp phần quan trọng cho tăng trưởng doanh thu của nhiều ngân hàng.
"Kết quả là trong thời kỳ giãn cách, người dân vẫn hoạt động bình thường, vẫn giao dịch thanh toán mua hàng hóa dù bị cách ly. Đấy là những kết quả tôi cho rằng nếu không chuyển đổi số thì không thể làm được. Lợi ích của người dân vừa rồi là minh chứng rất rõ ràng cho việc sử dụng dịch vụ số của ngân hàng’’ - ông Hùng nói.
Để có được kết quả này không thể không nhắc tới tầm nhìn của cơ quan quản lý nhà nước. TS Phạm Xuân Hòe đánh giá NHNN đã có những bước chủ động, rất nhanh và sớm về mặt thể chế, chẳng hạn như chính sách về trung gian thanh toán.
Từ nhiều năm trước, năm nào NHNN cũng tổ chức nhiều cuộc thảo luận chính sách có tính chất tìm tòi, sáng tạo, tạo ra nền tảng, cú hích. Cả 3 trụ cột cho hoạt động dịch vụ ngân hàng, chuyển đổi số ngành ngân hàng đều được quan tâm thể chế hóa.
Đến nay, 95% các nghiệp vụ về thanh toán cũng như tiền gửi về cơ bản được thực hiện qua công nghệ số. Có những khách hàng cá nhân gần như giao dịch 100% qua công nghệ số.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng vẫn còn đối diện với một số khó khăn thách thức như hành lang pháp lý của Luật Giao dịch điện tử còn nhiều vướng mắc.
Trong quá trình chuyển đổi số, vừa qua xảy ra những chuyện như trục lợi, lừa đảo thông qua tin nhắn, hoặc mất tiền trong tài khoản.
"Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp, kiến nghị với các bộ, ngành liên quan để có giải pháp phù hợp, đảm bảo người dân sử dụng các dịch vụ thanh toán thông qua chuyển đổi số một cách an toàn hiệu quả" - ông Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ.