Các nước chạy đua tìm cách quản lý trí tuệ nhân tạo

(PLO)- Không chỉ cường quốc công nghệ hàng đầu là Mỹ mà nhiều nước và khu vực cũng khẩn trương có các bước đi nhằm quản lý AI ở cấp độ quốc gia và quốc tế.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chủ đề quản lý trí tuệ nhân tạo (AI) là tâm điểm chú ý của người dân khắp thế giới trong năm nay. Không chỉ cường quốc công nghệ hàng đầu là Mỹ mà nhiều nước và khu vực cũng khẩn trương có các bước đi nhằm quản lý AI ở cấp độ quốc gia và quốc tế, theo hãng tin Reuters.

P19-chan-trang-Trang-Quoc-te.jpg
Cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về tác động toàn cầu của AI tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) ngày 18-7. Ảnh: ANADOLU AGENCY/GETTY IMAGES

Tại Brazil, các nhà lập pháp sẽ tổ chức điều trần công khai về AI trong 90 ngày tới, tiến tới hoàn tất đánh giá dự luật AI trong 120 ngày.

Israel hồi tháng 6 cho biết đã và đang nghiên cứu các quy định về AI để đạt được sự cân bằng phù hợp giữa đổi mới và bảo vệ nhân quyền.

Chính phủ Anh đang tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, các tổ chức pháp lý và học thuật để nâng cao hiểu biết về công nghệ, tiến tới quản lý hiệu quả. Hồi tháng 5, Cơ quan quản lý cạnh tranh của Anh cho biết sẽ bắt đầu kiểm tra tác động của AI đối với người tiêu dùng, doanh nghiệp và cả nền kinh tế để tính toán biện pháp kiểm soát.

Ý có kế hoạch rà soát các nền tảng AI và thuê các chuyên gia kiểm soát mảng công nghệ này.

Úc sẽ yêu cầu các công cụ tìm kiếm soạn thảo các mã mới để ngăn chặn việc chia sẻ tài liệu lạm dụng tình dục trẻ em do AI tạo ra, cũng như ngăn chặn các sản phẩm công nghệ giả.

Trung Quốc từ ngày 15-8 thực hiện một loạt biện pháp tạm thời, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ gửi đánh giá bảo mật và phải có giấy phép trước khi tung ra thị trường đại chúng các sản phẩm AI.

Nhật dự kiến ra quy định về AI vào cuối năm nay. Hồi tháng 6, Cơ quan giám sát quyền riêng tư Nhật cảnh báo OpenAI không được thu thập dữ liệu nhạy cảm mà không có sự cho phép của người dùng.

Các lãnh đạo G7 trong cuộc họp tại Nhật hồi tháng 5 thừa nhận nhu cầu quản trị AI cũng như các loại công nghệ khác, yêu cầu các bộ trưởng thảo luận về AI và báo cáo kết quả vào cuối năm 2023.

Tại Liên minh châu Âu (EU), ngày 13-9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen kêu gọi lập hội đồng toàn cầu đánh giá rủi ro và lợi ích của AI. Hồi tháng 6, các nhà lập pháp EU đồng ý những thay đổi trong dự thảo Đạo luật AI của khối, tiến tới thảo luận đưa dự thảo trở thành luật.

Các nhà lập pháp EU đã đồng ý một bộ dự thảo quy tắc, trong đó các hệ thống như ChatGPT sẽ phải tiết lộ nội dung do AI tạo ra, giúp phân biệt sản phẩm hình ảnh giả với hình ảnh thật và đảm bảo các biện pháp bảo vệ chống lại nội dung bất hợp pháp. Có một bức thư ngỏ có chữ ký của hơn 160 CEO từ các công ty như Renault, Meta, lo ngại luật AI của EU nếu quy định theo các nội dung đề xuất này sẽ gây nguy hiểm cho khả năng cạnh tranh và chủ quyền công nghệ của châu Âu.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã có cuộc thảo luận chính thức đầu tiên về AI tại New York hồi tháng 7. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết hội đồng đã đề cập đến các ứng dụng AI cả quân sự và phi quân sự - vốn “có thể gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh toàn cầu”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm