Tuần trước, Bộ trưởng Truyền thông Nhật - ông Takeaki Matsumoto cho biết trong ngày mai (giờ địa phương), tại TP Hiroshima (Nhật), các quan chức chính phủ của nhóm G7 sẽ mở cuộc họp để xem xét và bàn biện pháp giải quyết những vấn đề cơ bản mà công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) mang lại, theo hãng tin Reuters.
G7 kêu gọi xây dựng công nghệ AI bền vững, đáng tin cậy
Các quan chức của Nhật cho biết AI có nhiều ứng dụng trong mọi lĩnh vực đời sống-xã hội, tuy nhiên loại công nghệ này lại chưa có nhiều công cụ hỗ trợ cho công tác quản lý. Điều này khiến tình trạng xâm phạm quyền riêng tư, lan truyền thông tin sai lệch nổi lên vô cùng rầm rộ trong suốt thời gian qua.
Các lãnh đạo nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) - bà Ursula von der Leyen trong hội nghị thượng đỉnh G7 hồi 19-5 tại TP Hiroshima (Nhật). Ảnh: AP |
Theo đó, G7 nhấn mạnh các cuộc thảo luận quốc tế bàn về khả năng quản trị AI, cũng như khả năng tương tác giữa các khung quản trị của loại công nghệ này sẽ giúp thực hiện mục tiêu phát triển AI bền vững, đáng tin cậy; có sự chứng kiến, tham gia và hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.
Tại hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra hôm 21-5, các quan chức cho rằng việc sử dụng AI cần phải phù hợp với những giá trị dân chủ chung gồm công bằng, trách nhiệm, minh bạch, an toàn; tôn trọng quyền riêng tư, các quyền tự do cơ bản, bảo vệ dữ liệu cá nhân cho người dùng; đồng thời phải bảo vệ người dùng tránh những quấy rối trực tuyến, những thông tin mang tính thù ghét. Đây cũng là lý do thúc đẩy G7 tổ chức cuộc họp trong ngày mai.
Ngoài ra, cùng nỗ lực trên, G7 còn muốn tổ chức diễn đàn “Tiến trình AI của Hiroshima” (dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm nay), nhằm giải quyết các vấn đề xoay quanh việc quản trị AI, cũng như đưa ra các công cụ hỗ trợ việc sử dụng loại công nghệ này một cách có trách nhiệm hơn.
Thế giới phản ứng thế nào về AI?
Theo Reuters, các quốc gia trên thế giới có phản ứng khác nhau về vấn đề sử dụng AI. Cụ thể, khi được hỏi rằng “liệu việc sử dụng AI có gây ra nhiều mối đe dọa trong đời sống xã hội hay không”, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận định “Điều này hoàn toàn có thể xảy ra, nhưng để xác định những tác động cụ thể thì chúng ta cần đánh giá nó kỹ lưỡng hơn nữa”.
Trí tuệ nhân tạo có khả năng làm việc hiệu quả với tốc độ nhanh và độ chính xác cao. Ảnh: GETTY IMAGES |
Ông Biden còn lưu ý rằng AI hiện đóng vai trò rất quan trọng trong các ngành sản xuất, vậy nên để hạn chế những rủi ro không đáng có, các công ty cần phải đảm bảo an toàn cho sản phẩm của mình trước khi công bố chúng ra thị trường.
Tuần trước, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida nói với Hội đồng AI của nước này rằng với loại công nghệ như AI, Nhật sẽ áp dụng hướng tiếp cận vừa sử dụng, vừa giám sát những rủi ro mà loại công nghệ này mang lại, đặc biệt là những rủi ro tiềm ẩn trong lĩnh vực chính trị.
Ở châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) - bà Ursula von der Leyen cho biết khối này nhắm mục tiêu xây dựng và phát triển hệ thống AI dựa trên nguyên tắc chính xác, an toàn, đáng tin cậy, và không phân biệt đối xử, bất kể nguồn gốc của chúng.
Theo đó, Liên minh châu Âu (EU) đề xuất lập ra một dự luật “đầy tham vọng” nhằm kiểm soát loại công nghệ hiện đại này. Các phiên đàm phán giữa các thành viên trong khối về việc thông qua dự luật trên dự kiến sẽ diễn ra trong vài tháng tới. Theo Reuters, nếu dự luật trên được thông qua, thì nó sẽ có hiệu lực và được ban hành trong năm 2025.
Theo tờ China Daily, trong những năm gần đây Trung Quốc nổi lên là một trong những nước tiên phong trong việc phát triển công nghệ AI. Theo đó, nhằm tăng tốc AI và đưa loại công nghệ này vào các lĩnh vực sản xuất trong nước, trong cuối năm 2022, giới chức Bắc Kinh đã công bố gói ngân sách cam kết hỗ trợ AI trị giá hơn 70 tỉ nhân dân tệ (khoảng 10 tỉ USD) cho các lĩnh vực sản xuất đời sống như nông nghiệp, khai thác mỏ, sản xuất xe ô tô tự lái và phát triển các dịch vụ y tế.
Công việc nào sẽ bị AI thay thế nhiều nhất?
Trang World Economic Forum dẫn báo cáo Nghiên cứu kinh tế toàn cầu của Ngân hàng Đầu tư Đa quốc gia Goldman Sachs (Mỹ) cho biết với sự tiện lợi và phát triển nhanh chóng của AI thì nhiều khả năng trong vòng 5 năm tới, thế giới sẽ mất khoảng 300 triệu việc làm vào tay AI.
Theo đó, so với thời điểm hiện tại thì trong vòng 5 năm tới, lực lượng lao động phụ trách các công việc hành chính sẽ giảm 46%, công việc pháp lý giảm 44%, các ngành kiến trúc và kỹ thuật giảm 37%. Trong khi đó, các ngành đòi hỏi sử dụng nhiều lao động lại ít có sự biến động, chẳng hạn lĩnh xây dựng sẽ giảm 6%, lĩnh vực lắp đặt, sửa chữa giảm 4% và lĩnh vực bảo trì thiết bị giảm 1%.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng với sự trợ giúp của AI, các công việc liên quan lĩnh vực tự động hóa sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian, từ đó năng suất sản xuất cũng được cải thiện.