Quân đội Philippines đã kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng nhất trí yêu cầu Trung Quốc ngừng thực hiện chiến lược “dùng sức mạnh trấn áp pháp quyền” trong vấn đề tranh chấp biển Đông.
Hãng tin ABS-CBN News (Philippines) ngày 2-8 đưa tin Đại tá Restituto Padilla, người phát ngôn quân đội Philippines, đã đưa ra lời kêu gọi như trên sau khi báo New York Times dẫn nguồn từ các tổ chức tư vấn nêu rõ kế hoạch cải tạo đá ngầm thành đảo nhân tạo trên biển Đông của Trung Quốc.
Hồi tháng 6, Trung Quốc tuyên bố sắp hoàn thành các dự án cải tạo đất trong vùng biển tranh chấp và chuẩn bị xây dựng cơ sở trên đó. Dù vậy, quân đội Philippines không thể khẳng định Trung Quốc đã chấm dứt các dự án cải tạo đất hay chưa.
Người phát ngôn nhấn mạnh khi các quốc gia đều nói như nhau, Philippines hy vọng Trung Quốc sẽ lắng nghe và xây dựng quan điểm tuân thủ luật pháp như các nước mong mỏi.
Ông nhận xét chỉ có Philippines và Việt Nam lên tiếng phản đối Trung Quốc trong khi một số nước, kể cả các nước Đông Nam Á, không phản đối Trung Quốc vì lợi ích kinh tế hay các lợi ích khác.
Tàu khu trục lớp Incheon của Hàn Quốc là loại tàu Philippines đặt mua. Ảnh: DEFENSE INDUSTRY DAILY
Ông cho rằng Trung Quốc cũng cần đối tác thương mại nên các nước không việc gì phải lo ngại về kinh tế mà e ngại phản đối Trung Quốc. Ông khẳng định: “Một tiếng nói tập thể vẫn mạnh hơn một số ít… Các nước ASEAN cần phải có tiếng nói vững chắc”.
Trong khi đó, báo Tin tức vùng Vịnh (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) đưa tin trong năm năm tới, lần đầu tiên Philippines sẽ mua tàu ngầm và tên lửa hiện đại trong khuôn khổ ngân sách 22,11 tỉ USD hiện đại hóa quân đội.
Báo dẫn nguồn tin giấu tên cho biết hải quân Philippines mua tàu ngầm và tên lửa từ Hàn Quốc hoặc của Nhật.
Nguồn tin này nhận xét Philippines đã lên kế hoạch đầy tham vọng sau khi kinh tế tăng trưởng mạnh, được các công ty đánh giá tín dụng đánh giá tốt.
Năm 2013, hải quân Philippines đã đặt mua hai tàu khu trục lớp Incheon 1.400 tấn (còn gọi là tàu hộ tống thử nghiệm tương lai) từ Tập đoàn Công nghiệp nặng Hyundai và Công ty đóng tàu STX của Hàn Quốc với giá 400 triệu USD.
Hải quân Philippines cũng đã đặt mua hai tàu vận tải biển chiến lược từ Công ty Persero của Indonesia với giá 85,7 triệu USD. Mỗi tàu có thể chở ba máy bay trực thăng, các binh sĩ và thiết bị quân sự.
Tổng thống Benigno Aquino cho biết các tàu khu trục và tàu vận tải sẽ được chuyển giao cho Philippines vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới.
Ngoài ra, hải quân Philippines còn sở hữu ba tàu khu trục cải tiến do Mỹ sản xuất (Tagbanua, Gregorio del Pilar và Ramon Alcaraz).
Lực lượng tuần duyên Philippines đã mua 10 tàu đa dụng dài 40 m từ Nhật vào cuối năm 2013 với giá 184 triệu USD bổ sung cho đội tàu 19 chiếc.
Ngoài ra, lực lượng này còn sử dụng khoản vay 20 triệu USD từ Mỹ để mua ba radar giám sát hàng không, hai hệ thống cảm biến trên đất liền và ba máy bay tuần tra biển.
Mới đây, không quân Philippines đặt mua thêm 12 máy bay tiêm kích-huấn luyện FA-50, sáu máy bay yểm trợ gần, bảy trực thăng AW-109 vá sáu trực thăng Bell-412 từ Hàn Quốc.
Philippines cũng đã cấp 22 triệu USD phát triển ba căn cứ hải quân mới nhằm bảo vệ 36.000 km bờ biển.
Báo Inquirer (Philippines) 2-8 đưa tin ông Rodrigo Duterte, thị trưởng TP Davao (Philippines), đã gặp gỡ các tùy viên quân sự của Indonesia, Việt Nam, Trung Quốc, Mỹ và Singapore để trao đổi về chủ đề an ninh. Ông nói biển Đông là đường giao thông quan trọng nối châu Âu và châu Á và tuyến đường thương mại vận tải có giá trị và khối lượng cao hơn kênh đào Suez bốn, năm lần. Khu vực đánh cá của Philippines ở biển Đông chính là nguồn cung cấp thực phẩm quan trọng đối với ngư dân Philippines. Ông nêu lên vấn đề: “Vậy tại sao chúng ta không thể bình yên để đánh bắt cá như chúng ta đã làm từ nhiều thế kỷ qua?”. __________________________________ 80 tàu chiến thuộc hải quân Philippines trong khi Trung Quốc có 892 tàu. Về không quân, Philippines có tổng cộng 26 máy bay so với 2.582 máy bay từ Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Nhật |