Bộ Quốc phòng sẽ sử dụng nơi đây làm căn cứ quân sự dành cho các thiết bị quân sự mới mua trong những năm tới trong khuôn khổ chương trình hiện đại hóa quân đội.
Bộ Quốc phòng dự tính sẽ điều động máy bay chiến đấu FA-50 và tàu chiến mới đến căn cứ Subic vì căn cứ có cảng nước sâu và đường băng phù hợp với máy bay FA-50.
Người phát ngôn lưu ý tàu chiến Mỹ có thể cập cảng Subic và tổ chức tập trận ở đó như đã làm nhiều năm nay nhưng không thể biến Subic trở thành căn cứ Mỹ như trước được.
Vịnh Subic nhìn ra biển Đông hiện thời được sử dụng làm cảng và địa điểm du lịch thương mại.
Đô đốc Scott Swift trên máy bay tuần tra biển P-8A Poseidon hôm 18-7. Ảnh: HẠM ĐỘI THÁI BÌNH DƯƠNG
Cùng ngày, tại cuộc họp báo ở Seoul trong chuyến thăm Hàn Quốc sau khi dừng chân ở Philippines, Đô đốc Scott Swift, tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương, xác nhận ông có bay trên máy bay P-8 Poseidon ở biển Đông trong bảy tiếng hôm 18-7 nhưng không nêu chi tiết chuyến bay.
Ông khẳng định đây là chuyến bay tuần tra thường lệ. Ông nói: “Chúng tôi có lực lượng triển khai trong toàn khu vực để chứng minh cam kết của Mỹ về tự do hàng không”.
Trong khi đó, báo The Philippine Star (Philippines) dẫn lời Phó Đô đốc Alexander Lopez, tư lệnh quân khu miền Tây Philippines, cho biết bộ tư lệnh quân khu không được thông báo về chuyến bay của Đô đốc Scott Swift.
Phó Đô đốc Alexander Lopez ghi nhận: “Điều đó tốt cho chúng tôi. Đây là một cách để kiểm soát những việc Trung Quốc làm ở sân sau của chúng tôi. Điều này tốt cho khu vực”.
Ông khẳng định hoạt động tuần tra không có gì sai vì được thực hiện trong không phận quốc tế và vùng biển quốc tế. Ông nói: “Chỉ duy nhất có Trung Quốc cho rằng các khu vực này của họ mà thôi”.
Ông giải thích Philippines không phiền hà xem Trung Quốc sẽ nói gì về chuyến giám sát biển Đông của Đô đốc Scott Swift.
Một ngày sau khi hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ thông báo Đô đốc Scott Swift tham gia tuần tra hôm 18-7 trong khuôn khổ chuyến thăm Philippines, Tân Hoa xã (Trung Quốc) đã đăng bài viết tố khổ Philippines.
Bài viết cho rằng Philippines không ngừng tìm kiếm ủng hộ từ các thế lực bên ngoài, bởi thế tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương Scott Swift mới quyết định thực hiện phi vụ tuần tra biển ở biển Đông.
Bài viết quy kết đây là động thái không mang tính chất xây dựng giống như chuyện Philippines kiện “đường chín đoạn” Trung Quốc ra tòa trọng tài thường thực.
Bài viết đổ lỗi cho Philippines liên tục khiêu khích ở biển Đông và “hủy hoại niềm tin vốn đã suy yếu giữa Manila và Bắc Kinh”. Bài viết kêu gọi Philippines ngừng khiêu khích vì có thể sẽ không ai đến cứu giúp, kể cả những người cổ vũ Philippines gây hấn hơn nữa trong khu vực.
Bài viết có đoạn: “Các nhà hoạch định chính sách ở Manila phải biết rằng nếu Mỹ và Nhật có thể thực hiện các lập trường chính trị phù hợp hoặc ngay cả cung cấp viện trợ quân sự, hai nước này sẽ thực sự không hy sinh quan hệ với Trung Quốc vì Philippines”.
Báo The Australian (Úc) ngày 20-7 đưa tin mặc dù tình hình căng thẳng do Trung Quốc xây dựng cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo ở biển Đông, ba nước Mỹ, Úc và Trung Quốc vẫn tiếp tục tham gia cuộc tập trận chung Kowari vào tháng 10 ở miền Bắc Úc. Ba nước đã tập trận chung lần đầu tiên ở Úc hồi năm ngoái. Tùy viên quân sự Trung Quốc Trần Văn Vinh khen ngợi Úc là nước phương Tây đầu tiên Trung Quốc tiến hành đối thoại chiến lược quốc phòng cấp cao thường niên. __________________________________ 2 máy bay đầu tiên trong 12 máy bay chiến đấu FA-50 sẽ được quân đội Philippines tiếp nhận trong năm nay. 10 máy bay còn lại sẽ được giao cho Philippines trong vòng hai năm tới. Quân đội Philippines cũng sẽ tiếp tục mua hai tàu hộ tống mới. |