Những ngày qua, bóng đá châu Á ghi nhận sự kiện lịch sử, trung vệ người Uzbekistan Abdukodir Sukhanov ký hợp đồng với Man.City trị giá 40 triệu USD. Đó là một trong những ngôi sao sáng của các đội thuộc “thế hệ Thường Châu 2018” tại vòng chung kết (VCK) U-23 châu Á.
U-23 VN làm được hơn ‘thế hệ Thường Châu’
Trong khi đó, Quang Hải là tác giả “vẽ” nên kiệt tác cầu vồng ở trận chung kết “Thường Châu 2018” giúp U-23 Việt Nam san bằng 1-1 trước Uzbekistan. Đó là một tuyệt phẩm bàn thắng mà sau đó báo chí châu Á lẫn Việt Nam tốn nhiều giấy mực.
Sau thành công tại Thường Châu (Trung Quốc) năm đó, các cầu thủ U-23 Việt Nam vượt qua giới hạn của mình bằng cách ra nước ngoài thi đấu nhưng tất cả đều thất bại. Quang Hải sang Pháp khoác áo PAU FC gần 1 mùa, nhưng thất bại ra về. Công Phượng hai lần đến Nhật Bản khoác áo Mito Hollyhock và Yokohama FC cũng không thành công. Xuân Trường đến Hàn Quốc, rồi sang Thái Lan đá lần lượt cho các CLB Incheon FC, Buriram Utd không phát triển được.
Đoàn Văn Hậu thử vận may ở Heerenveen của Hà Lan rồi cũng chẳng được gì, thậm chí Hậu dính chấn thương dai dẳng vẫn chưa trở lại thi đấu.
Người hùng thủ môn Bùi Tiến Dũng sau vầng hào quang “Thường Châu 2018” trở về cũng quá bận rộn với những chuyện ngoài sân cỏ và thiếu phấn đấu. Còn lại như trung vệ Bùi Tiến Dũng, Phan Văn Đức, Hồ Tấn Tài... vẫn tiếp tục xác định đá trong nước. Nhiều cầu thủ khác lại xuống dốc như Trọng Đại, Huỳnh Tấn Sinh, Hà Đức Chinh, Phạm Đức Huy.
Trong khi đó, đội tuyển Qatar hai lần vô địch châu Á vào năm 2019 và 2023 với thành phần chủ chốt là các cầu thủ U-23 từng là bại tướng của U-23 Việt Nam tại bán kết U-23 châu Á 2018. Họ có tiền đạo Akram Afif, hai lần đoạt danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất châu Á. Akram Afif hiện nay là tiền đạo chủ lực của CLB Al Sadd, còn Ali Almoez cũng là tiền đạo chủ chốt của Al Duhail đều của Qatar.
Akram Afif mơ được quay lại châu Âu thi đấu, song anh biết “cái trình” của mình sẽ gặp khó khăn trong cạnh tranh. Trước đó Afif từng được gửi sang Tây Ban Nha và Bỉ để được nâng cao chuyên môn.
Còn với U-23 Uzbekistan, nhà vô địch “Thường Châu 2018” được xem là thành công nhất. Thế hệ đó họ ra nước ngoài như Nga, Saudi Arabia, Qatar, Pháp thi đấu rất nhiều. Và bây giờ, trung vệ Abdukodir Sukhanov của Uzbekistan đang tạo “địa chấn châu Á” khi anh từ Lens của Pháp sang Man. City với bản hợp đồng 4,5 năm với giá 40 triệu USD. Đây là giá trị cao nhất lịch sử một vụ chuyển nhượng của một cầu thủ châu Á. Những ngôi sao của Nhật Bản và Hàn Quốc hay Iran cũng chưa có giá này trong lịch sử.
Bóng đá Anh vốn nổi tiếng thế giới là “bóng đá lực sĩ”. Abdukodir Sukhanov chỉ cao 1,71m vậy liệu anh có trụ nổi ở giải đấu khắc nghiệt này hay không? HLV Pep Guardiola “săn” Sukhanov về Man City đá trung vệ cùng hai cầu thủ cao to khác là Ruben Dias (người Bồ Đào Nha) và John Stones (tuyển thủ Anh).
Trước khi đến với Man. City thì Sukhanov đã trải nghiệm ở bóng đá châu Âu, cụ thể CLB Energetik của Belarus, sau đó sang đầu quân cho Lens của Pháp với giá chuyển nhượng 84 ngàn bảng Anh.
Cầu thủ Việt Nam bây giờ thể hình đã cải thiện cực tốt, nhất là chiều cao. Thế hệ U-22 Việt Nam vô địch SEA Games 2019 có chiều cao trung bình đến 1.86m, cao hơn Sukhanov rất nhiều.
Bây giờ bóng đá Việt Nam cần cải thiện tiếp sức mạnh, sức bền, tinh thần thép, tính chuyên nghiệp cao, thì hy vọng trong lương lai sẽ có những cầu thủ đến những giải mạnh của châu Âu để thi đấu.
Có được như thế thì mới mong đội tuyển Việt Nam “bơi ra biển lớn” thành công.