Các vụ kiện quốc tế về chống bán phá giá: DN phải biết lobby

Tiến sĩ Trần Hữu Huỳnh - Trưởng ban Pháp chế VCCI - cho rằng WTO trao cho các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng ba công cụ để bảo vệ mình: chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ. Hiện nay, khi đã hội nhập, nền kinh tế thị trường đặt các doanh nghiệp trước nguy cơ tranh chấp thương mại quốc tế ở cả “bên nguyên” và “bên bị”. Cụ thể, doanh nghiệp xuất khẩu ra các nước có thể trở thành “bị đơn” khi các doanh nghiệp tại các quốc gia sở tại sử dụng các công cụ nói trên. Ngược lại, hiện nay chúng ta tham gia sân chơi chung, hàng hóa nhập vào Việt Nam rất nhiều, đã đến lúc các doanh nghiệp, hiệp hội trong nước phải biết áp dụng hiệu quả công cụ này để bảo vệ mình.

Ngoài các công cụ trên, luật sư Đinh Ánh Tuyết - Văn phòng luật sư VILAF, Hà Nội, người từng trực tiếp tham gia giải quyết trong vụ kiện chống bán phá giá tôm xuất khẩu - nhận định: Hiện nay các doanh nghiệp chưa tăng cường hoạt động lobby trong giải quyết các vụ kiện. Cụ thể, việc cung cấp thông tin thiện chí, đầy đủ, giúp cho chính quyền sở tại hiểu đầy đủ, minh bạch và công khai về tình trạng xuất khẩu vào thị trường quốc gia đó sẽ giúp chính quyền giải quyết vụ việc tốt hơn, tránh những quyết định bất lợi cho chúng ta.

Về vấn đề này, tiến sĩ Trần Hữu Huỳnh - Trưởng ban Pháp chế VCCI nêu ý kiến: Việc lobby phải hiểu theo nghĩa rộng, là việc các hiệp hội, ngành hàng, thậm chí các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam giúp doanh nghiệp vận động hậu trường chính phủ, nghị viện, các nhà hoạch định chính sách của quốc gia đó tiếp cận thông tin, chính xác, minh bạch và trung thực giải quyết vụ việc.

Bà Nguyễn Thị Tâm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - khẳng định: “Đã đến lúc cần có một hội đồng chuyên tư vấn và hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong các vụ kiện quốc tế, không chỉ giải quyết khâu “chống” mà còn làm tốt việc “phòng” để tránh rơi vào những vụ kiện đáng tiếc như thời gian vừa qua”.

THANH HẢI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm