Trong hầu hết các trường hợp, người lạm dụng trẻ là người lớn tuổi hơn các em. Trẻ biết họ, có mối liên hệ thân thiết và tin cậy họ.
Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa kỳ (AAP) đưa ra một số lời khuyên để cha mẹ có thể phòng tránh và nhận diện tình huống xấu này.
Những điều cha mẹ nên biết về lạm dụng tình dục trẻ em
Lạm dụng tình dục bao gồm tất cả các hành vi tình dục thực hiện với trẻ: quan hệ tình dục trực tiếp hay gián tiếp với các em. Cho trẻ xem ảnh khiêu dâm hoặc chụp ảnh khiêu dâm của trẻ v.v…
Trong hầu hết các trường hợp, những kẻ lạm dụng có mối quen biết thân mật với trẻ. Đó có thể là thành viên trong gia đình, hàng xóm, giáo viên, người giữ trẻ hoặc bất kỳ người nào có ảnh hưởng, quyền lực với các em.
Những trẻ có tính cách vâng lời, phục tùng, tôn trọng người lớn lại có nguy cơ bị lạm dụng cao hơn. Những trẻ sống trong gia đình không hạnh phúc cũng thuộc nhóm này, vì các em thường thích được chú ý, mong muốn gây được cảm tình, tìm kiếm sự yêu thương nơi người khác.
Trẻ bị lạm dụng tình dục có thể xuất hiện các triệu chứng rối loạn về hành vi. Các em có thể tránh tiếp xúc với bạn bè, người thân; kết quả học tập giảm sút; có dấu hiệu trầm cảm, lo âu. Có thể rụt rè hơn hoặc hung hăng hơn.
Lời khuyên cho các bậc cha mẹ để giảm thiểu nguy cơ trẻ bị xâm hại
Khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ cần dạy cho trẻ biết về các bộ phận trên cơ thể, tên gọi của chúng. Cho trẻ biết chỗ nào trên người trẻ là riêng tư, “bất khả xâm phạm”, không người nào khác có thể xem, chạm vào, thậm chí là trao đổi về nó nếu trẻ không muốn.
Hãy xây dựng môi trường ngay trong gia đình sao cho cha mẹ và trẻ có thể thoải mái thảo luận về giới tính và các vấn đề liên quan. Lấy những bản tin tức về lạm dụng để dạy trẻ những bài học cảnh giác, an toàn.
Cho trẻ hiểu là không cần có bí mật giữa trẻ và cha mẹ. Làm sao để trẻ biết là trẻ có thể thoải mái tâm sự với cha mẹ mọi điều: chuyện vui hay buồn, tốt hay xấu, thậm chí là những điều kỳ quặc, tệ hại.
Chú ý đến những người thường tặng cho trẻ những món đồ chơi, quà đặc biệt. Hoặc thường muốn đưa con bạn tham gia những buổi đi chơi riêng, không rõ ràng.
Để trẻ tham gia vào những hoạt động mà cha mẹ có thể quan sát, theo dõi. Tham gia cùng các em bất cứ khi nào có thể. Tìm hiểu mọi dấu hiệu khác lạ của trẻ.
Nếu trẻ có bất cứ dấu hiệu nào về việc bị lạm dụng, hãy lắng nghe các em cẩn thận. Thông thường, trẻ có thể bị mất lòng tin vào người thân nếu kẻ lạm dụng là một thành viên trong gia đình.
Liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để thăm khám cho trẻ. Liên hệ với các tổ chức bảo vệ trẻ em ở địa phương, cơ quan chức năng ở địa phương hoặc công an để tìm sự giúp đỡ.
Ngoài việc khám bác sĩ để xác định các dấu hiệu và mức độ xâm hại, phụ huynh cũng cần quan tâm đến sức khỏe thể chất và những tổn thương tâm lý của trẻ.
Khi sự việc đã xảy ra, hãy để trẻ hiểu rằng các em không phải là người có lỗi khi để người khác lạm dụng.
Hầu hết trẻ em bị lạm dụng và cả cha mẹ các em sẽ cần sự giúp đỡ chuyên nghiệp từ các chuyên viên tâm lý để vượt qua thử thách này.