Sau chương trình “Tủ lạnh cộng đồng”, anh Nguyễn Tuấn Khởi, Giám đốc Food Bank Việt Nam, tiếp tục thành lập đội cơm di động miễn phí (đội), đưa cơm đến tận tay người nghèo.
Mỗi ngày, đội rong ruổi hàng chục cây số, len vào từng con hẻm nhỏ, khu trọ của lao động nghèo ở TP.HCM để phát cơm miễn phí. Nhiều người có hoàn cảnh khó khăn đã bất ngờ khi được trao tận tay, tận nhà từng hộp cơm và có khi được kèm theo phần quà với rau củ, trứng, mì gói…
Đến tận nơi, trao quà tận tay
Theo ghi nhận của PV, cứ đúng 10 giờ mỗi ngày, đội tập hợp tại trụ sở số 10B đường số 2, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức để chờ nhận cơm và quà. Sau đó, các tình nguyện viên tỏa đi các tuyến đường có bệnh viện, hẻm trọ…, nơi có nhiều người lao động, bệnh nhân nghèo.
Xếp khoảng 50 phần cơm hộp, quà vào thùng, các tình nguyện viên điều khiển xe máy có thùng màu xanh phía sau rong ruổi qua từng nẻo đường. Những phần quà, cơm hộp với đầy đủ trái cây tráng miệng được trao tận tay người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Điều làm mọi người ngạc nhiên và bất ngờ là cứ trước khi trao quà, các tình nguyện viên cũng chỉ một câu nói nhẹ nhàng “Xin lỗi đã làm phiền” và sau đó trao cơm, quà cho bà con.
Theo anh Nguyễn Tuấn Khởi, hoạt động này đã diễn ra từ ngày 30-6 với khoảng 10 tình nguyện viên luân phiên nhau nhận nhiệm vụ giao cơm. Do tình hình dịch bệnh ở khu vực đặt “Tủ lạnh cộng đồng” trên đường Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh có diễn biến phức tạp nên hoạt động ra đời để thay thế mô hình “Tủ lạnh cộng đồng”.
“Đội cơm di động miễn phí ra đời để tránh việc người dân tập trung quá đông một chỗ, không đảm bảo các biện pháp phòng dịch. Bên cạnh đó, việc đến tận nơi, trao tận tay từng người sẽ đảm bảo việc trao cơm, quà đúng người” - anh Nguyễn Tuấn Khởi cho biết.
Anh Trang Thanh Hải nhận cơm, quà mỗi buổi sáng để đi phát cho bà con nghèo. Ảnh: NGỌC LÀI
Ông Nguyễn Văn Tâm ngụ quận Bình Thạnh chia sẻ: “Tôi chạy xe ôm, mà dạo này dịch nên ế ẩm. Mấy lần đến chỗ anh Khởi xin cơm, tôi nghe nói họ cần người giao cơm cho người nghèo. Thế là tôi đề nghị được tham gia. Ban đầu, tôi không nghĩ mình sẽ được nhận phí xăng xe, quà cáp gì hết, chỉ làm vì giúp được mọi người”.
Sau đó, hiểu được hoàn cảnh của ông Tâm, anh Khởi luôn gửi quà, thực phẩm, hỗ trợ chi phí phần nào.
Anh Trang Thanh Hải ngụ quận 5, vốn làm giám đốc một doanh nghiệp nhưng dịch bệnh anh chuyển sang kinh doanh tự do. Đọc thông tin trên báo chí, biết anh Khởi tuyển tình nguyện viên, anh Hải liền đến đăng ký tham gia đội.
Tự nhiên được nhận quà
Theo chân anh Trang Thanh Hải đi phát cơm, quà cho người dân nghèo, PV đã ghi nhận được những câu chuyện, tình huống thật cảm động.
Sau khi tham gia đội, cứ đúng 10 giờ, anh Hải và các tình nguyện viên khác đến trụ sở nhận cơm, quà để đi phát. Anh Hải cho biết anh thường chạy theo các tuyến đường Phạm Văn Đồng, Phan Văn Trị, Phạm Ngũ Lão, Lê Lợi… thuộc quận Gò Vấp. Sau đó anh len vào các hẻm nhỏ, tuyến đường thường có người bán vé số, ve chai, xe ôm… để trao quà. Đội chia ra, đi các con đường khác nhau để không bị trùng lắp.
Hôm trước, khi di chuyển trên đường Lê Lợi, quận Gò Vấp, thấy hai bà cụ ngồi bán vé số trên vỉa hè, anh tấp xe vào lề đường, lấy hai phần quà gửi cho họ. Bất ngờ được tặng quà, hai bà cụ ngơ ngác, liên tục gửi lời cám ơn. Qua trao đổi, một bà cụ bán vé số cho biết hai bà ngồi cả ngày ở đây mà không bán được bao nhiêu tờ vé số. Chắc do dịch bệnh nên đường sá vắng tanh, ít người xe qua lại nên không buôn bán gì được.
Một bà cụ cho biết: “Tự nhiên được tặng quà, tôi mừng quá! Bao nhiêu đây thực phẩm, tôi cũng ăn được mấy ngày rồi. Cám ơn chú”.
Chạy đến cầu vượt Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm, anh Hải luồn xe xuống chân cầu, gọi người đàn ông đang nằm ngủ tại đây thức dậy. Anh Hải nói nhỏ: “Xin lỗi, đã làm phiền anh. Tôi gửi anh một phần quà nhỏ. Chúc anh thật nhiều sức khỏe nha”.
Người đàn ông chưa tỉnh ngủ, vẫn kiểu nhìn ngơ ngác, không kịp cám ơn thì anh Hải đã lái xe đi, tiếp tục phát quà.
Cũng trên tuyến đường này, thấy một chị đang đi thu mua ve chai, anh Hải cũng đến và “Xin lỗi đã làm phiền” để tặng cơm và quà cho chị.
Cơm và quà được anh Trang Thanh Hải trao cho hai bà cụ bán vé số trên đường. Ảnh: NGỌC LÀI
Trao đổi với PV, chị cho biết tên Nguyễn Thị Mai ở quận Gò Vấp, làm nghề thu mua ve chai. Thời gian này chị thật sự khó khăn vì hàng quán, nhà dân nào cũng đóng cửa phòng dịch bệnh nên chị không mua được bao nhiêu ve chai. Các mối quen biết họ cũng không dám mở cửa bán, nói để qua dịch rồi tính. Trước làm có nhiêu tiền gửi về quê để lo cho hai con nhỏ đi học. Giờ thu nhập chỉ đủ chị trả tiền trọ, tiền ăn bữa có, bữa không. Chị cũng phải thường xuyên đến các điểm từ thiện, siêu thị 0 đồng để nhận cơm, nhu yếu phẩm…
“Cho cơm còn cho quà, tôi mừng quá. Nhiêu đây quà là tôi để dành ăn được mấy ngày luôn đó” - chị Mai nói.
Cứ như thế, không chỉ anh Hải mà tất cả tình nguyện viên trong đội cơm di động miễn phí đã mang niềm vui, bữa cơm đến cho rất nhiều hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch này.
Trao đổi với PV, anh Hải cho biết một ngày các thành viên trong đội đi từ một đến hai chuyến, từ 10 giờ đến 12 giờ là tặng hết cơm, quà cho người nghèo. “Cực chút thôi nhưng ai cũng vui vì thấy bà con nghèo mừng khi nhận được cơm và quà” - anh Hải nói.
Giám đốc doanh nghiệp cũng đăng ký đi giao cơm Các tình nguyện viên tham gia đội cơm di động miễn phí rất nhiệt tình mà không cần bất cứ khoản hỗ trợ nào. Tuy nhiên, tùy hoàn cảnh của từng người, mỗi tình nguyện viên sẽ được hỗ trợ chi phí xăng xe, tặng quà và bồi dưỡng thêm khoảng 300.000 đồng/tuần/người. Tình nguyện viên tham gia đội cơm di động có đủ thành phần, từ bác xe ôm đến cả những người làm văn phòng, quản lý ở các doanh nghiệp. Có một anh là giám đốc một doanh nghiệp, hiện công ty đang tạm nghỉ do dịch cũng đến đăng ký sẵn sàng làm tình nguyện viên để đi phát cơm cho người nghèo và không nhận bất cứ hỗ trợ nào từ đội. Anh NGUYỄN TUẤN KHỞI, Giám đốc Food Bank Việt Nam |