Vậy xin hỏi, có cách nào để tôi nộp phạt mà không cần đến kho bạc hay không?
Bạn đọc Nguyễn Hữu Phước (huuphuoc… @gmail.com)
Luật sư Nguyễn Tri Đức, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Theo Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định về thủ tục nộp phạt thì trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước (KBNN) hoặc nộp vào tài khoản của KBNN được ghi trong quyết định xử phạt để nộp tiền phạt.
Đồng thời, theo điểm a khoản 1 Điều 10 Nghị đinh 81/2013 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 97/2017), cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính có thể trực tiếp nộp tiền phạt tại ngân hàng thương mại nơi KBNN ủy nhiệm thu tiền phạt được ghi trong quyết định xử phạt.
Như vậy, anh Phước có thể nộp tiền phạt vi phạm giao thông qua hình thức chuyển khoản vào số tài khoản KBNN hoặc trực tiếp đến các ngân hàng thương mại được KBNN ủy nhiệm thu tiền phạt.
CSGT lập biên bản xử phạt một trường hợp vi phạm giao thông. Ảnh: HTD
Mặt khác, theo mục 3 của Nghị quyết số 10 năm 2016 của Chính phủ thì Chính phủ thống nhất cho phép Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam thực hiện dịch vụ thu, nộp hộ tiền phạt vi phạm hành chính và chuyển phát giấy tờ tạm giữ cho người bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên phạm vi toàn quốc qua hệ thống bưu điện.
Theo thỏa thuận hợp tác số 69/2016 giữa Cục CSGT và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, kể từ ngày 1-7-2016, người vi phạm thay vì đi nộp phạt trực tiếp thì có thể nhờ tới bưu điện làm trung gian.
Lưu ý, nếu chọn nộp phạt qua bưu điện, người vi phạm phải đăng ký với cơ quan công an thông qua hình thức ghi và ký vào mặt sau tờ biên bản vi phạm (bản cơ quan công an lưu) để chuyển tới bưu điện.
Sau đó, người vi phạm đến bưu điện gần nhất thuộc hệ thống bưu điện của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam để nộp tiền phạt. Trường hợp người vi phạm bị tạm giữ giấy tờ thì bưu điện có trách nhiệm chuyển phát các loại giấy tờ bị tạm giữ cho người vi phạm.