Cuối buổi sáng 11-3, phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 85 bị cáo khác xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan tiếp tục với phần xét hỏi của đại diện VKS.
Tính đến thời điểm hiện tại, HĐXX đã thẩm vấn và công bố xong hành vi của 86 bị cáo trong vụ án.
Là người được đại diện VKS xét hỏi đầu tiên, bị cáo Trương Khánh Hoàng (quyền Tổng giám đốc ngân hàng SCB), khai biết được Trương Mỹ Lan là chủ thực sự của ngân hàng là căn cứ vào thời điểm tháng 9-2019 khi vào làm việc tại ngân hàng được bị cáo Lan dẫn vào các cuộc họp với các lãnh đạo SCB, "trong cuộc họp chị Lan có những chỉ đạo liên quan đến tín dụng và giải ngân".
Cạnh đó, trên thực tế Trương Mỹ Lan là người quyết định cho bị cáo được bổ nhiệm phó Tổng giám đốc rồi quyền Tổng giám đốc ngân hàng SCB. "Khi đó Trương Mỹ Lan nói bị cáo gặp Võ Tấn Hoàng Văn (TGĐ SCB) để được sắp xếp vị trí. Ngoài bị cáo thì còn có Trần Thị Mỹ Dung cũng được Trương Mỹ Lan sắp xếp bổ nhiệm"- Hoàng khai.
Về việc rút tiền ra khỏi SCB, Hoàng khai trước khi Trương Mỹ Lan cần tiền thì sẽ họp với lãnh đạo SCB và chỉ đạo bị cáo là đầu mối để lập hồ sơ, tài sản đảm bảo và số tiền cần giải ngân.
Trong số những lần cần rút tiền thì một phần sẽ tổ chức các cuộc họp, một phần Trương Mỹ Lan gọi điện riêng cho bị cáo để chỉ đạo. Ngoài ra, trong một số cuộc họp của ngân hàng SCB còn có sự có mặt của Trương Huệ Vân (TGĐ Vạn Thịnh Phát) tham gia.
Khai về cách thức Trương Mỹ Lan chuyển tiền ra nước ngoài, Trương Khánh Hoàng cho biết bản thân là quyền TGĐ nên bị cáo đã phê duyệt nhiều lệnh chuyển tiền ra nước ngoài để thanh toán mua cổ phần của các Công ty nước ngoài và chuyển tiền đặt cọc để mua tài sản ở nước ngoài cho Trương Mỹ Lan. Sau đó là làm thủ tục hủy cọc, từ đó số tiền gối đầu qua các lần chuyển ra nước ngoài là rất lớn. Cạnh đó, bị cáo còn phê duyệt nhiều lệnh chuyển tiền để thanh toán các khoản tiền trong thẻ tín dụng khi Trương Mỹ Lan đi nước ngoài.
Người được VKS thẩm vấn tiếp theo là bị cáo Bùi Anh Dũng (Chủ tịch HĐQT ngân hàng SCB). Ông Dũng khai Trương Mỹ Lan là người quyết định nhân sự cấp cao của ngân hàng SCB, trên sổ sách thì Trương Mỹ Lan chiếm khoảng 4,9% cổ phần nhưng bản thân bị cáo Dũng phỏng đoán bà Lan nắm số lượng lớn cổ phần nhưng không biết là bao nhiêu.
Tiếp đến, VKS hỏi bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng Giám đốc ngân hàng SCB): "Ai là người quyết định hoạt động của SCB trong đó có việc quyết định nhân sự của SCB?".
Văn khai trước khi vào làm việc cho SCB thì không biết Trương Mỹ Lan là ai sau đó được Nguyễn Thị Thu Sương trực tiếp phỏng vấn, Sương cùng với Đinh Văn Thành giới thiệu bị cáo đến gặp Trương Mỹ Lan và được giới thiệu Lan là cổ đông lớn của ngân hàng. Sau khi trình bày bị cáo Văn chốt lại bản thân được làm Tổng giám đốc là có ý kiến của Trương Mỹ Lan.
Tự lập ba trung tâm để giải ngân
Cáo trạng xác định các bị cáo trong vụ án đã thành lập ba đơn vị cho vay chỉ để phục vụ cho các khoản vay của Trương Mỹ Lan, gồm: (1)Trung tâm kinh doanh khách hàng Wholesale, (2) Kênh kinh doanh trực tiếp thuộc Khối doanh nghiệp (có đơn vị trực thuộc là Hub kinh doanh trực tiếp khách hàng doanh nghiệp), (3) Kênh kinh doanh trực tiếp thuộc Khối Dịch vụ ngân hàng và tài chính cá nhân.
Ba trung tâm này trực thuộc hội sở ngân hàng SCB, có chức năng giải ngân nhưng không có bộ phận kho quỹ và con dấu riêng mà sử dụng con dấu của đơn vị khác khi hoạt động và chỉ lập hồ sơ cho vay đối với các khoản vay của Trương Mỹ Lan.
Từ ngày 3-6-2020 đến ngày 24-6-2022, ba đơn vị cho vay trên đã lập hồ sơ, giải ngân cho 396 khoản vay/ tổng dư nợ là 212.725 tỉ đồng. Trong đó dư nợ gốc là 185.183 tỉ đồng, nợ lãi/phí là 27.542 tỉ đồng, (chiếm 38,27% dư nợ gốc các khoản vay của Trương Mỹ Lan).