Việc một nhóm làm sách độc lập cho ra mắt bộ sách giáo khoa lớp 1 theo phương pháp giáo dục hiện đại được nhiều người xem như dấu hiệu mở đầu cho một nỗ lực cải cách giáo dục toàn diện, bắt đầu từ bậc phổ thông cơ sở. Mối băn khoăn lớn là liệu nó có “làm được gì” hay không khi mà hàng chục năm qua, nền giáo dục Việt Nam đã trải qua không biết bao nhiêu cuộc cải cách không đi về đâu.
Hào hứng và sáng tạo
Một buổi học ở Trường Tiểu học dân lập Nguyễn Văn Huyên (Hà Nội), nơi các thành viên của nhóm “giáo dục hiện đại” Cánh Buồm tiến hành dạy thử nghiệm. Cô giáo nói: “Cô muốn có một bình hoa ở đây, các em đi kiếm hoa về cho cô nhé”. Học trò nhấp nhổm. Cô tiếp tục: “Nhưng các em cứ ngồi yên đây, nhé, đừng đi đâu cả. Nào, nhắm mắt lại nào, nghe cô nói nhiệm vụ này: Bây giờ các em nghĩ là mình đang đi tìm hoa cho cô. Các em đi, đi, đi đâu, gặp ai, làm gì để có được một bó hoa thì về kể lại cho cô nào”.
Các học trò nhí sẽ lần lượt kể những gì mình đã “gặp” và “làm” để kiếm một bó hoa cho cô. Em thì ra cổng trường gặp chú bảo vệ, xin chú bình hoa. Em thì về nhà hái hoa ở vườn. Em khác ra bờ suối kiếm vài bông hoa dại. Cô giáo lắng nghe, khen ngợi các em đã làm tốt, đã “làm việc ở trong đầu” và “ta gọi như thế là tưởng tượng”.
Đó là một tiết học văn lớp 1 về chủ đề “Tưởng tượng” dù với hệ thống SGK chuẩn hiện nay của Bộ GD&ĐT, phải đến lớp 10 học sinh mới được học về “tưởng tượng” và “liên tưởng”... Cách dạy của Cánh Buồm nhất quán là: Tổ chức các việc làm của học sinh để các em tự mình tìm đến các khái niệm, tự mình tạo ra những kỹ năng cần thiết. Tóm lại, đó là cách hướng dẫn học sinh học thông qua làm, học một cách chủ động thông qua hành vi.
Một buổi dạy của nhà giáo Phạm Toàn tại Trường tiểu học Nguyễn Văn Huyên.
Từ một “làn gió lạ”
Phương pháp dạy và học theo hướng tổ chức tự học, phát huy tính chủ động của học sinh không phải là điều chưa từng có ở Việt Nam. TS Nguyễn Thành Nam, thành viên nhóm Cánh Buồm nói: “Con đường nhóm đang đi , GS Hồ Ngọc Đại đã vạch ra từ hơn 30 năm trước với khẩu hiệu “Đi học là hạnh phúc”. Ông mong muốn trẻ em Việt Nam được “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, mà để có thể vui, hạnh phúc thì học sinh phải tự học có kết quả”. Năm 1978, hệ thống trường thực nghiệm phổ thông, “con đẻ” của GS Hồ Ngọc Đại, ra đời và hoạt động tại 43 tỉnh, thành trong cả nước. Với phương pháp giáo dục khuyến khích triệt để sự tự do sáng tạo của học sinh, nhiều nội dung giảng dạy của trường giống như một “làn gió lạ” trong hệ thống. Người viết bài này từng chứng kiến một đề bài tập làm văn ở Trường Thực nghiệm Giảng Võ cách đây nhiều năm: Tưởng tượng trên đường về nhà, em nhặt được một em bé bọc tã bị bỏ rơi ở góc công viên. Em hãy kể lại câu chuyện đó.
ông Đại vận động mở Viện Công nghệ giáo dục: “Tôi còn sức còn làm tiếp những việc dang dở, rồi phải tìm một mảnh đất mới để mở trường thực nghiệm mới…”. Ông huy động được một nhóm khoảng 20 giáo viên, sinh viên sư phạm vừa tốt nghiệp (và cả đang thất nghiệp) làm thành một lớp, nhờ nhà giáo Phạm Toàn đào tạo, hướng dẫn về phương pháp dạy tiểu học, tâm lý học giáo dục v.v… Đó là vào mùa hè năm 2008.
Tiếc rằng khi “khóa đào tạo” kết thúc, GS Hồ Ngọc Đại cũng không có cách nào tuyển được các học viên vào viện nghiên cứu của mình. “Viện không có quy chế hoạt động, không có kế hoạch, không có ngân sách, không có tiền, tóm lại không có gì cả” - nhà giáo Phạm Toàn nhớ lại. Nghĩ tiếc cho các học viên - những nhà sư phạm trẻ tuổi, nhiệt tình, yêu công việc dạy học - lại nghĩ “bây giờ nếu mình không làm thì ai làm”, ông quyết định huy động các bạn trẻ (người lớn tuổi nhất sinh năm 1984) vào công cuộc nghiên cứu giáo dục hiện đại, cải cách giáo dục ở Việt Nam.
Nhà giáo Phạm Toàn.
“Sở dĩ tôi nói nếu ông Hồ Ngọc Đại hay tôi mà không bắt tay vào giáo dục tiểu học thì sẽ không ai làm là vì giáo dục tiểu học quá khó, người ta không đủ trình độ và không đủ cả tấm lòng để theo đuổi” - nhà giáo Phạm Toàn nói. “Bây giờ, nếu ở trong guồng máy giáo dục và biết cách “xoay” thì động vào dự án gì cũng hái ra tiền, kiếm chỗ nào cũng ra tiền tỉ chứ không phải triệu đâu. Ai hơi đâu dính vào những công việc vừa khó khăn, phiêu lưu, vừa… miễn phí”. Suốt hai năm trời, từ mùa hè 2008 tới tháng 7-2010, khi nhóm Cánh Buồm chính thức ra mắt với website “Giáo dục hiện đại”, họ đã chỉ làm việc dựa vào lòng yêu nghề, yêu trẻ. Các thành viên, ngoài công việc dạy học thường ngày, đã cùng nghiên cứu, thử nghiệm mà kết quả gần đây là một dự thảo đề án cải cách giáo dục và bộ sách giáo khoa lớp 1.
Để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”
Quan niệm giáo dục của nhóm Cánh Buồm rất đơn giản: Nghệ thuật giảng dạy là nghệ thuật tổ chức sự tự học. Với một tiết học về tưởng tượng như trên, tất cả học sinh đều sẽ “làm việc từ trong óc”. Ông Phạm Toàn nói: “Khi ta không cho học sinh làm việc thì các em sẽ nghịch, lúc đó ta đừng bảo các em là hư, cá biệt, chỉ thích ngó ngoáy nói chuyện riêng…”.
Thay cho môn đạo đức, bộ SGK của Cánh Buồm đưa ra môn lối sống với một chương trình xuyên suốt tám năm: Lớp 1: Tập sống đồng thuận, biết tự phục vụ. Lớp 2: Biết phục vụ, hợp tác với người khác (ví dụ: xếp hàng). Lớp 3: Học về gia đình, cha mẹ, quyền trẻ em. Lớp 4: Tổ quốc (từ cấp này, học sinh bắt đầu được dạy lịch sử và địa lý). Lớp 5: Nhân loại (tìm hiểu về Liên Hiệp Quốc, nhân quyền)… Nhóm Cánh Buồm dự định sẽ viết mới toàn bộ sách giáo khoa cho tám năm học phổ thông, song song với đó, xây dựng đề án cải cách giáo dục và cố gắng mở một trường thực nghiệm…
Trong quá trình viết sách, nhóm cũng đã phải vất vả tìm kiếm nơi để thực nghiệm. Họ cho biết đã tiếp xúc với nhiều trường tiểu học, “trường nào cũng sợ”. Có vị hiệu trưởng còn bảo: “Chúng tôi không thể làm việc với các anh chị vì chúng tôi đang vinh dự được thực hiện Nghị quyết số 05 của Thành ủy, đưa trường tôi thành một trường đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh từ lớp 6” (?). Cuối cùng, Trường tư thục Nguyễn Văn Huyên đón nhận nhóm nhưng theo hướng “lách”, tức là chương trình của Bộ GD&ĐT không dạy môn văn và khoa học công nghệ thì nhóm sẽ dạy, ngoài ra còn thêm tiếng Anh. Cả hiệu trưởng, giáo viên lẫn các học sinh ở trường đều thích cách dạy của nhóm.
Ngày 27-9, năm quyển đầu tiên trong bộ sách giáo khoa lớp 1 của Cánh Buồm đã ra mắt và thu hút sự chú ý đặc biệt của các bậc cha mẹ học sinh. Rất nhiều người hy vọng “cải cách bắt đầu từ đây” dù mối băn khoăn lớn là bộ sách chưa được Bộ GD&ĐT thẩm định và công nhận để sử dụng chính thức trong nhà trường. Về vấn đề này, nhóm tác giả nhiều lần tuyên bố: “Chúng tôi không cạnh tranh với ai cả. Chúng tôi chỉ xin trình ra trước xã hội một cái mẫu về sách giáo khoa, để giáo viên nào, bậc cha mẹ nào thấy nó đúng thì tự thực hiện, tự tạo ra một cuộc cải cách giáo dục để cứu con em mình. Xã hội sẽ là người thẩm định”.
Nhà giáo Phạm Toàn tha thiết: “Cuộc cải cách giáo dục đi theo chúng tôi xin hãy vượt chúng tôi - chúng tôi xin xung phong làm vài ba hòn đá nhỏ độn đường cho nghiệp lớn của dân tộc”. Và nhà sư phạm 78 tuổi bày tỏ: “Tôi hy vọng tôi còn được sống đủ để viết nốt bộ sách giáo khoa của tám năm phổ thông. Nhưng tôi phải giả định là tôi không sống được nhiều nữa nên bây giờ tôi hy vọng và tin tưởng vào những người tiếp nối. Cái khó nhất là phải dạy lại người lớn. Để cải cách giáo dục thì phải cải tạo chính người lớn: người làm chính sách, người làm sư phạm, người soạn sách, người đứng lớp”.
ĐOAN TRANG