Cái gì có hại cho xã hội thì không làm

Cái gì có hại cho xã hội thì không làm

(PLO)- Nhà báo cần xem xét lợi - hại với mỗi thông tin mình đưa ra. Cái gì có hại cho xã hội thì không làm.

Mối quan hệ giữa báo chí và mạng xã hội (MXH) đang đặt ra dấu hỏi lớn về vai trò của mỗi bên trong hiện tại và tương lai. Nhà báo Nguyễn Hồng Lam, người đang thu hút lượng tương tác lớn trên MXH, chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM xung quanh vấn đề này.

Nhà báo Nguyễn Hồng Lam
Nhà báo Nguyễn Hồng Lam

Nhìn nhận về những đặc tính của MXH đặt trong mối tương quan với báo chí truyền thống, nhà báo Nguyễn Hồng Lam nói:

Thứ nhất, sức lan tỏa của MXH nhanh hơn báo chí, kể cả báo mạng.

Thứ hai, MXH rất đa dạng về nội dung và hình thức thể hiện, không chịu sự kiểm duyệt nghiêm ngặt. Với thuật toán hiện đại, thông tin trên MXH chủ động tiếp cận với công chúng, chứ công chúng không phải đi tìm như với báo chí truyền thống.

Thứ ba, MXH có tính đa chiều. Thông tin trên báo chí truyền thống thường đi theo một khuynh hướng. Còn thông tin trên MXH chuyển động không vector, thậm chí hỗn loạn. Điều này cho phép tư duy con người có cách tiếp cận, đặt vấn đề khác nhau, từ đó có các giải pháp khác nhau, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của xã hội.

Không thể vì “dùng dao không khéo mà bỏ dao”

. Phóng viên: Với cá nhân ông, trong tư cách của một nhà báo, MXH đã ảnh hưởng thế nào đến công việc?

+ Nhà báo Nguyễn Hồng Lam: Với tôi, MXH không phải để chơi mà là một môi trường làm việc. Tôi dùng MXH như một phương tiện để phổ biến thông tin cho công chúng. Một status của tôi cho dù ngắn hay dài đều được kiểm chứng, suy nghĩ kỹ. Đây là đóng góp cho cá nhân hoàn toàn tự nguyện, không được trả công.

Trong khuôn khổ sản phẩm báo chí truyền thống có những điều không thể nói hết, nhà báo cần nói thêm, MXH là không gian vô biên cho việc này.

MXH tích cực hay tiêu cực là do người dùng quyết định. Không thể khi dùng dao không khéo làm đứt tay thì lập tức bỏ hết dao đi.

. Về góc độ khai thác thông tin, MXH đã hỗ trợ các nhà báo như thế nào?

+ Sự hỗ trợ lớn nhất là thăm dò dư luận, lấy phản hồi. Sau khi đưa một thông tin lên MXH là thấy thái độ của xã hội đối với thông tin đó. Nếu những phản ứng là đúng thì nhà báo phải tiếp nhận, điều chỉnh.

Thông qua MXH, bất cứ ai cũng có thể giám sát xã hội. Những hành động sai trái dù là nhỏ nhất đều có thể bị ghi lại và lan truyền trên MXH. Từ đó, rất nhiều vụ việc tiêu cực lớn đã được phát hiện. Đây là nguồn thông tin rất giá trị phục vụ cho công việc của nhà báo.

MXH là phương tiện chứ không phải mục đích

. Theo ông, giữa biển thông tin gồm cả tích cực lẫn tiêu cực hiện nay, vai trò và trách nhiệm của nhà báo trên không gian MXH là gì?

+ Trên MXH có rất nhiều thông tin, gồm cả những thông tin ghi lại hành động tiêu cực. Có những nhà báo đã đưa những thông tin này vào sản phẩm của mình. Những thông tin không mang lại giá trị thiết thực của xã hội như đề cập đời tư của nghệ sĩ đang khỏa lấp, thậm chí đè bẹp những thông tin có giá trị khác, làm đảo lộn thang bậc văn hóa trong xã hội, đề cao những gì “có giá” mà giảm nhẹ những gì “có giá trị”. Sự đảo lộn này tác động tiêu cực đến nếp sống văn hóa của xã hội. Chẳng hạn, hiện nay một bộ phận giới trẻ sử dụng ngôn từ tục tĩu trên MXH như ngôn ngữ bình thường.

Phóng viên tác nghiệp tại một sự kiện ở TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Phóng viên tác nghiệp tại một sự kiện ở TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Thông tin trên MXH có đặc thù cùng một chuyện nhưng có rất nhiều hình thức thể hiện khác nhau, khiến công chúng phải xem liên tục. Khi tiêu tốn quá nhiều thời gian trên MXH với những thông tin vụn vặt thì sẽ không còn thời gian để đọc sách, nghe nhìn các nội dung bổ ích. Cách tiêu thụ nội dung này làm méo mó văn hóa nghe nhìn và chèn ép văn hóa đọc, tạo ra lối tư duy dễ dãi, cảm xúc hời hợt.

Đối với các nhà báo, MXH là phương tiện chứ không phải mục đích, MXH là không gian nối dài chứ không phải không gian chính yếu. Nhà báo cần hết sức cẩn thận, kiểm chứng kỹ những thông tin trên MXH trước khi đưa vào sản phẩm báo chí hay phát ngôn của mình, đồng thời góp phần định hướng dư luận một cách đúng đắn. Nhà báo định hướng dư luận bằng cách làm sáng tỏ vấn đề, tránh ngộ nhận cho xã hội.

Dù chỉ là status ngắn hay một bài viết, video dài đều phải hết sức nghiêm túc, thậm chí phải điều chỉnh nhiều lần sau khi lắng nghe dư luận. Ngay cả với không gian MXH thì những gì nhà báo chuyển tải đều là tác phẩm đảm bảo sự tích cực, đúng đắn, gắn liền trách nhiệm của nhà báo với cộng đồng, với thông tin.

. Lượng follow trên MXH của một số người nổi tiếng thậm chí còn lớn hơn các nhà báo, trong khi những thông tin ở đây chưa hẳn đã mang tính tích cực. Làm thế nào để nhà báo phát huy được vai trò định hướng trên MXH?

+ Lượng follow trên trang MXH của cá nhân thể hiện lượng tương tác chứ không phải sức ảnh hưởng. Khi cung cấp thông tin trên MXH, theo tôi, nhà báo không nên chú trọng lượng tương tác mà hãy chú trọng sức ảnh hưởng, độ lan tỏa. Nếu một bài viết sâu về văn học được chia sẻ bởi một nhà văn lớn thì có giá trị hơn gấp nhiều lần so với những tương tác thông thường. Cá nhân tôi không hướng đến việc “câu” view, “câu” like mà hướng đến việc thuyết phục được ngay cả những người có trình độ cao hơn mình. Không nên có mâu thuẫn gì giữa các sản phẩm báo chí và nội dung trên MXH.

Đỉnh điểm của pháp luật là đạo đức. Nhà báo cần xem xét lợi - hại với mỗi thông tin mình đưa ra. Cái gì có hại cho xã hội thì không làm. Kể cả những thông tin tưởng là đúng nhưng góp phần khiến xã hội phức tạp thêm thì nhất quyết không đăng tải.

MXH trao quyền nhưng không giúp cá nhân bảo vệ mình

Thứ nhất, MXH đang làm công việc của báo chí nhưng khác ở chỗ báo chí luôn chịu sự kiểm duyệt, còn MXH thì không. Người dùng MXH có thể nhanh chóng chuyển tải hình ảnh về một vụ việc và bình theo ý mình, kéo theo nguy cơ người theo dõi có thể bị “ngộ độc” thông tin.

Thứ hai, MXH không phải chịu trách nhiệm về nội dung, nếu chẳng may thông tin sai thì có thể xóa đi nhanh chóng. Tình trạng thông tin không được quản lý này kéo theo tin giả, tin sai có thể gây tác hại rất lớn cho người tiếp nhận và người quản lý.

Thứ ba, mục đích của MXH là gắn kết con người với nhau, xóa nhòa ranh giới địa lý nhưng nhìn từ một góc độ nào đó lại đang chia rẽ con người. Bởi vì ai cũng có thể nói mà phải chịu rất ít chế tài nếu nói sai. Vô hình trung đây là không gian để công kích cá nhân, đưa những thông tin giả để hại nhau, khó ngăn cản. Chẳng hạn, có những người bị gán cho một câu nói nào đó không phải do mình phát ngôn và số người xem thông tin này còn nhiều hơn số người biết đến nhân vật bị hại, rất khó giải quyết. MXH trao quyền cho cá nhân nhưng không giúp được cá nhân bảo vệ mình.

Trên MXH xuất hiện những đối tượng “côn đồ văn hóa” trấn áp, làm rối loạn xã hội. Một phần đáng kể những người sử dụng MXH không có học vấn cao, dễ bị lợi dụng. Xã hội như cơ thể con người, khi có nọc độc xâm nhập thì tạo nên khối u, khiếm khuyết.

Nhà báo NGUYỄN HỒNG LAM

Báo chí không nên theo đuổi MXH

. Trong nhiều tình huống, thông tin trên MXH còn nhanh và lan tỏa mạnh mẽ hơn so với báo chí. Vậy các cơ quan báo chí cần định vị lại vai trò của mình như thế nào?

+ Báo chí chính thống cần định hướng MXH chứ không theo đuổi MXH. Để có thể định hướng, báo chí phải tăng sức cạnh tranh với MXH bằng cách nhanh hơn, đúng đắn hơn. Người làm báo đứng trước áp lực phải nâng cao mình về tính chính xác và nhanh hơn nữa.

. Nhắc đến cạnh tranh có nghĩa là xem MXH là đối thủ của báo chí. Vậy cần nhìn nhận thế nào về MXH ở góc độ đối tác của báo chí?

+ Báo chí cần coi MXH là tập hợp con của mình. Hiện nay, có một số hãng thông tấn lớn trên thế giới mua lại thông tin của những người sản xuất nội dung trên MXH. Trong trường hợp này, cả người mua lẫn người bán đều phải có trách nhiệm của người làm báo.

Bên cạnh đó, khi xử lý những thông tin đó để đưa vào sản phẩm báo chí, người làm báo cần căn cứ vào đặc tính của mỗi loại hình để tận dụng thế mạnh của MXH, đồng thời phát huy vai trò của báo chí. MXH hướng tới các lập luận giải thích (mô tả hiện tượng ngẫu nhiên), còn báo chí hướng tới các lập luận giải pháp (đi vào bản chất sự việc, đưa ra hướng giải quyết).

. Nhằm nâng cao tốc độ thông tin của báo chí, nên chăng thúc đẩy thực hiện các giải pháp đồng bộ để báo chí tránh thận trọng quá mức, tạo không gian nhiều hơn cho báo chí?

+ Bản thân MXH cũng đang giúp báo chí đến với công chúng nhanh hơn, đa dạng hơn về hình thức thể hiện và nền tảng. Chưa kể với những thông tin do người dân đăng tải trên MXH hoặc gửi đến cơ quan báo chí, chỉ cần xác minh được tính đúng đắn là đăng tải được ngay.

Điều quan trọng là người làm báo cần tiếp tục nâng cao nghiệp vụ, đạo đức và bản lĩnh nghề nghiệp của mình.

. Xin cám ơn ông.

Nhà báo LÊ QUỐC MINH, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam:

Báo chí chính thống không thể đứng yên

Theo nghiên cứu mới, tỉ lệ người dùng lên mạng xã hội (MXH) tìm kiếm thông tin cao hơn tìm kiếm trên báo chí chính thống, đặc biệt là các bạn trẻ. Báo chí chính thống như báo in, truyền hình, phát thanh dường như chỉ thu hút người lớn tuổi.

Bên cạnh đó, tình trạng tin giả, tin xấu, độc tràn lan trên MXH ngày càng phổ biến với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo. Chúng tôi lo rằng sự phát tán của tin giả sẽ còn diễn ra ở quy mô lớn hơn rất nhiều nên khi người dùng lên MXH nhiều hơn với mong muốn tìm kiếm thông tin, khả năng rất cao họ sẽ phải trả giá khi vấp phải những tin giả, tin xấu, độc như vậy. Sẽ có người do vô tình hoặc cố ý lan truyền, share, comment những nội dung này và hậu quả là vô cùng nghiêm trọng.

Báo chí chính thống vì thế không thể đứng yên, một mặt cần giành lại niềm tin của độc giả bằng cách đưa thông tin chính thống, chính thức hơn, mặt khác báo chí cũng cần tăng sự hiện diện chính thống đó trên MXH nhiều hơn, không chỉ trên Facebook, YouTube mà cả Zalo, Twitter, TikTok...

*****

TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM:

Định vị rõ ràng “báo chí là báo chí, MXH là MXH”

Tôi nghĩ các cơ quan báo chí nói chung, trong đó có báo Pháp Luật TP.HCM, cần đầu tư vào việc định vị các thể loại sản phẩm báo chí phù hợp với thị hiếu bạn đọc hiện nay.

Nói cách khác, báo chí không phải là “áp đặt” thông tin một chiều, mà còn là quá trình tìm hiểu nhu cầu của bạn đọc để đáp ứng (như cách vận hành của thị trường).Cách “kể chuyện” trên báo chí cần sinh động, hấp dẫn về ngôn từ, hình ảnh - mà ở góc độ nào đó, chúng ta có thể nhìn từ các sản phẩm thông tin, truyền thông trên các nền tảng MXH. Nói cách khác, báo chí chính thống cũng cần học hỏi cách “kể chuyện” từ MXH.

Tuy nhiên, cần phân định rõ rằng báo chí không phải là MXH. Đặc biệt là những cơ quan báo chí có tôn chỉ, mục đích rất rõ ràng, là “trợ thủ pháp lý đắc lực của người dân và doanh nghiệp” như báo Pháp Luật TP.HCM. Chúng ta không chạy theo cách làm đơn giản, dễ dãi, chủ quan như MXH mà tập trung vào các sản phẩm báo chí “đặc sản”, tạo nét riêng, ví dụ như các chương trình đối thoại với lãnh đạo TP, với chính quyền địa phương; hoặc các bài xã luận, góc nhìn, chính luận đòi hỏi tính hệ thống, tư duy sắc bén, nắm chắc vấn đề, đầy đủ dữ liệu… Đó là điều mà báo chí có thể “cạnh tranh” sòng phẳng với MXH, định vị rõ ràng “báo chí là báo chí, MXH là MXH”.

*****

Nhà báo HOÀNG MINH TRÍ (Facebooker “Cu Trí”):

Nhà báo, Facebooker đều phải có trách nhiệm với cộng đồng

MXH đã giúp cơ quan báo chí lan tỏa thông tin nhanh chóng hơn, tiếp cận số lượng độc giả lớn hơn. Đây là điều thuận lợi đối với mỗi tòa soạn, mỗi nhà báo. Nhưng họ cũng là những người giám sát chặt chẽ nhất nên tạo ra sức ép vô hình với cơ quan báo chí trong việc sản xuất nội dung.

Tuy nhiên, việc kiểm chứng thông tin trên MXH là một công việc khó, đòi hỏi nhà báo cần có kinh nghiệm về MXH, Internet, cũng như kiến thức về đời sống dày dặn. Ngoài ra còn phải để cảm xúc không được tham gia công việc này. Những kẻ tạo tin giả rất giỏi tạo ra những nội dung xúc động để trục lợi bằng các hình thức khác nhau. Cũng rất may, các công cụ tìm kiếm trên mạng ngày càng hoàn thiện nên việc kiểm chứng, đối soát thông tin thuận tiện hơn rất nhiều. Điều này nhà báo cần học hỏi, đọc các tài liệu thủ thuật sử dụng chúng sẽ hữu ích rất nhiều.

Không riêng gì với nhà báo, mỗi công dân sử dụng MXH đều cần thiết phải có một trách nhiệm nhất định với cộng đồng. Đối với một nhà báo, mọi thông tin anh ta viết ra trên mạng đều mang đến một sự ảnh hưởng nhất định đến cộng đồng. Lan tỏa những điều tốt hay truyền bá những thông tin gây xao xuyến lòng người đều cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Cái cảm giác được tung hô trên mạng nó gây nghiện, nếu bản thân không nhận thức sòng phẳng với bản thân vấn đề này có thể gây ra những hậu quả xấu. Người nổi tiếng trên MXH giống cây cao trong rừng, được hưởng nhiều nắng thì cũng phải chịu nhiều gió. Cộng đồng mạng sẵn sàng tẩy chay, lên án gay gắt nếu họ làm điều sai trái dù nhỏ nhất.

VIẾT THỊNH - ĐỖ THIỆNghi

Đọc thêm