Thảo luận về dự thảo Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) ở hội trường Quốc hội (QH) chiều 5-6, nhiều đại biểu (ĐB) cho rằng cần phải nhất quán trong luật là Nhà nước đầu tư kinh doanh để bổ khuyết chứ không làm thay.
“Nhà nước chỉ kinh doanh cái gì mà thị trường không làm. Nhưng khi thị trường làm được thì Nhà nước phải rút lui. Do đó quy định tại Điều 10 về phạm vi đầu tư vốn nhà nước để thành lập DN mới vào những ngành, lĩnh vực phục vụ cho việc ổn định và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong từng thời kỳ trong dự luật là quá rộng và không phù hợp. Phải quy định theo hướng, hôm nay tôi làm cái này nhưng khi thị trường làm được thì tôi rút đi để làm cái khác. Đồng thời, vốn nhà nước là vốn động chứ không phải là vốn tĩnh” - ĐB Trần Du Lịch nêu ý kiến.
Cũng theo ông Lịch, việc đầu tư vốn nhà nước là một hoạt động kinh tế rất lớn của đất nước mà QH lại đứng bên lề là không phù hợp. Do đó QH không chỉ giám sát mà phải quản lý được 1.300.000 tỉ đồng vốn nhà nước đang kinh doanh theo hướng kinh doanh thế nào, đầu tư vào đâu… “QH phải định hướng như đó là một DN nằm trong hoạt động của QH chứ chỉ giám sát như Điều 56 thì không phù hợp” - ông Lịch nói.
l Cùng ngày, QH đã nghe Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trình bày tờ trình về việc gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị máy bay.
Theo Chủ tịch nước, Công ước và Nghị định thư Cape Town là điều ước quốc tế được xây dựng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tài trợ vốn và cho thuê các trang thiết bị máy bay một cách hiệu quả, đem lại lợi ích kinh tế cho các quốc gia thành viên, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển. Đồng thời, tạo khuôn khổ pháp lý để bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ tại các quốc gia thành viên, cũng như khuyến khích việc cấp tín dụng và tạo điều kiện cho việc tiếp cận nguồn vay ưu đãi của các hãng hàng không.
“Việc gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town là điều kiện để các hãng hàng không Việt Nam được hưởng các ưu đãi từ quốc gia sản xuất máy bay, các tổ chức tín dụng, đáp ứng nhu cầu, quy hoạch phát triển của ngành hàng không Việt Nam và sự phát triển kinh tế”. Tuy nhiên, theo Chủ tịch nước, với việc gia nhập công ước và nghị định thư, chúng ta có thể gặp phải những khó khăn về nhân lực trong việc xét xử các tranh chấp phát sinh, cũng như việc bảo vệ các quyền lợi của các DN theo quy định của công ước và nghị định thư (trình độ năng lực cũng như kinh nghiệm thực tiễn của đội ngũ thẩm phán tại TAND chưa đáp ứng được yêu cầu khi thực thi công ước và nghị định thư)…
THÀNH VĂN