NSƯT Võ Hoài Nam.
Cũng chính vai diễn này đã mang lại cho Võ Hoài Nam giải thưởng Diễn viên trẻ xuất sắc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hiện Võ Hoài Nam đang làm việc tại Hãng Phim truyện Việt Nam.
-Thưa NSƯT Võ Hoài Nam, đã khá lâu rồi, anh vắng bóng trên phim trường sau một loạt vai diễn đã đi vào lòng khán giả như Chiến trong "Cảnh sát hình sự", Trọng trong "Vua bãi rác", Hòa trong "Người đàn bà mộng du", Bình trong "Cỏ lồng vực", Nam trong "Chuyện phố phường", Sơn Tinh trong "Truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh"… Khi một diễn viên rời xa phim trường khá lâu như vậy, có đồng nghĩa với việc anh ta đã hết niềm đam mê?
+ Ngược lại, tôi nghĩ đó là cách anh ta tôn trọng nghề hơn bao giờ hết. Sau những thứ được coi là thành công của mình, tôi cố gắng ngồi yên một chỗ mà không chạy theo sự ảo tưởng. Một người coi trọng nghề nghiệp là phải biết từ chối những kịch bản không phù hợp để giữ hình ảnh cho mình, chứ không phải cách anh ta xuất hiện trên các kênh truyền hình mà mỗi lần xem, khán giả chỉ muốn… tắt phụp cho đỡ phải nhìn thấy mặt. Ở tuổi 45, tôi không còn trẻ để chạy theo sự nổi tiếng bằng cách nhận lời đóng mọi vai diễn được mời, mà cũng không phải lo kiếm ăn từng bữa với việc đi đóng phim. Bởi từ trước đến nay, tiền cátsê chưa bao giờ đủ bù cho tiền xăng xe, ăn nhậu của riêng tôi chứ chưa nói tới việc nuôi sống gia đình. Tôi có cách riêng để theo đuổi niềm đam mê của mình và vẫn đang hàng ngày tích lũy vốn sống để có thể làm được một điều gì đó đối với điện ảnh.
- Một ngày, anh dành hầu hết thời gian cho việc kinh doanh nhà hàng ăn uống "Bạn tôi". Phải chăng anh đang kiếm vốn sống bằng cách quan sát những tính cách, những phận người trong vai trò vừa là ông chủ, vừa là người giúp việc cho quán ăn của mình?
+ Hoàn toàn đúng. Không ở đâu bằng ở chính môi trường này, người ta học được cách sống của đủ các kiểu người. Giàu sang có, trung lưu có, trí thức có, tay chơi anh chị có. Mọi thứ qua óc quan sát cứ dần dần ngấm vào máu mình và sẽ bật ra vào một thời điểm nào đó thích hợp, cần thiết cho phim ảnh. Thực ra, tôi có được làm ông chủ đâu. Vợ tôi mới là chủ quán. Tôi làm nhiệm vụ của một "ô sin" như trông xe, dắt xe, nhặt rau, rửa bát, lau dọn nhà cửa… Tôi sống đúng như chính tôi và không bao giờ phải e ngại khi có thể có ai đó nghĩ rằng, ôi, sao diễn viên từng xuất hiện liên tục trên màn ảnh giờ lại đi làm những việc này. Sự lao động này hoàn toàn chân chính, nó là một nghề, cũng như nghề đóng phim.
- Có lẽ, bất cứ khán giả nào từng theo dõi màn ảnh nhỏ cũng nhớ một Thiếu úy Chiến can đảm trong phim "Cảnh sát hình sự". Anh có nghĩ rằng, điều may mắn là anh được mời làm phim ở thời kỳ dòng phim Việt đang có những thay đổi và seri "Cảnh sát hình sự" đang có một mảnh đất màu mỡ để khai thác?
+ Đó chỉ là những điều kiện cần, còn cái để khán giả nhớ là phải biết cách khai thác nhân vật của mình. Không phải bây giờ mới nói, song thực sự trong con người tôi có tới bảy mươi phần trăm "máu hình sự". Ngày xưa, nếu không vì lý do gia đình, tôi cũng đã vào lực lượng Công an. Tôi quan niệm, dù là vào vai diễn nào, người diễn viên cũng phải biết cách tìm cho nhân vật của mình có một cuộc đời sống động nhất. Để vào vai Chiến, không biết bao nhiêu lần tôi đến gặp các chiến sĩ Công an để học hỏi những kinh nghiệm của họ trong quá trình phá án, truy bắt các đối tượng. Có đêm, đang ngủ thì tôi nhận được điện thoại của các anh ở Tổng cục Cảnh sát. Họ đã tìm được đối tượng truy nã ở tỉnh xa và hỏi tôi xem liệu có đi cùng không. Vậy là, tôi chỉ kịp khoác thêm chiếc áo rồi cứ thế leo lên xe, cùng các anh đi bắt đối tượng. Nhưng, đến nơi thì các anh lại "nhốt" tôi vào một chỗ vì cho rằng, tôi súng ống không biết dùng, nếu sơ suất có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Trên thực tế có gặp gỡ, chuyện trò với các chiến sĩ Công an tôi càng thấy rằng, họ là những người rất thông minh, nhanh trí, và nghề của họ luôn phải đối mặt với nhiều cực nhọc, hiểm nguy. Vì vậy, diễn để toát lên được hình tượng người chiến sĩ Công an, đòi hỏi người diễn viên phải tìm ra được một cá tính nào đó để biểu hiện tính cách của họ, chứ không đơn thuần là khoác trên người bộ sắc phục, đọc lời thoại theo kịch bản có sẵn là... xong.
- Trong phim, đến tập 30 thì anh Chiến đã hy sinh vì đỡ đạn bảo vệ cho thủ trưởng của mình. Nghe nói, sau cái chết đó, nhiều khán giả đã gọi điện thoại cho anh vì quá tiếc trước sự ra đi của một hình tượng đã làm nên tinh thần của bộ phim?
+ Không chỉ tôi bị gọi điện mà cả vợ tôi cũng thường xuyên bị làm phiền và bị... "chửi bới" một cách vô cớ. Có nhiều fan nữ còn nhắn tin bảo vợ tôi hãy buông tha để tôi được trở thành con người tự do (cười!). Vào thời điểm đó, Chiến hy sinh tuy hơi tiếc nhưng là hợp tình hợp lý. Tôi vẫn nhớ rõ, hôm để cho Chiến hy sinh, anh em chúng tôi phải đi hàng trăm cây số, lên một quả đồi ở Quan Sơn (Thanh Hóa) giáp biên giới để quay.
Thực ra, một diễn viên được nhớ đến khi anh ta tạo ra được một hình tượng điển hình bước ra cuộc đời hoặc ngược lại. Nói đến điều này, tôi lại nhớ hồi vào vai Bình trong phim "Cỏ lồng vực", một thanh niên bỏ nhà, lang thang ở Hà Nội với ước muốn làm giàu, và cuối cùng đi tù vì buôn hàng lậu. Sau những năm tháng bặt tin trong tù, chàng trai trở về mái nhà cũ ở quê, tìm lại mẹ mình nhưng khi mở cửa thì anh ta chỉ còn nhìn thấy bàn thờ của mẹ. Thực ra, khi tìm một diện mạo cho Bình tôi không biết phải thể hiện thế nào. Tôi bèn phóng xe ra ngoại thành, ngồi ở một quán nước quan sát. Một lúc sau, tôi thấy một anh quần áo trễ nải, vá víu, một tay dắt chiếc xe đạp cà tàng, một tay khoát từ sau mông ra trước mặt trông khật khưỡng, bất cần. Tôi nghĩ thầm "Đây rồi, Bình đây rồi!". Quả thật, đó cũng là một trong những vai diễn tôi tâm đắc.
- Tôi thì nghĩ rằng, Võ Hoài Nam khó có thể tìm lại đất diễn như vai Trọng trong phim "Vua bãi rác" (đạo diễn Đỗ Minh Tuấn). Có người còn cho rằng, với phim "Vua bãi rác", không phải anh diễn nữa mà anh đang sống lại cuộc đời của mình?
+ Tôi vẫn nhớ như in cái ngày tôi được thông báo mình được giải thưởng Diễn viên trẻ xuất sắc khu vực châu Á - Thái Bình Dương do một người bạn ở Đài Truyền hình gọi đến. Lúc đó, tôi đang chân lấm tay bùn đào ao trên mảnh đất vừa mua được ở huyện Chương Mỹ. Tôi cũng ngờ ngợ và khoảng hơn một tiếng sau, thấy ông bạn và mấy người đánh xe ôtô, vác máy quay về ghi hình phỏng vấn tôi mới tin là thật. Vai diễn này, có người còn nói đùa rằng đạo diễn Đỗ Minh Tuấn làm riêng cho tôi, vì nó quá giống hoàn cảnh của tôi. Bố mẹ tôi chia tay khi tôi mới 2 tuổi. Tôi ở với bố, mẹ kế và 3 đứa em. Sự quan tâm của họ dành cho tôi rõ ràng là có giới hạn. 8 tuổi tôi đã biết hút thuốc lá, 13 tuổi đã đi bụi. Những ngày Tết đến nhà bạn bè, thấy họ có đủ bố mẹ, anh em quây quần, tôi lặng lẽ đi ra ngoài khóc rưng rức. Vì mẹ kế không muốn cho gia đình biết bố tôi có con riêng nên cả nhà đang ngồi ăn cơm, có họ hàng của bà sang chơi, dù trời đang mưa tôi cũng phải bê bát cơm chạy ra ngoài... ở tuổi 14, 15, tôi phải lăn lê ngoài ga Hà Nội, bến xe Kim Liên... làm đủ mọi nghề để kiếm sống. Rồi, tôi vào ở với bác (anh trai bố) trong Đà Lạt, học chương trình bổ túc 2 năm 3 lớp rồi đi bộ đội 3 năm. Đến năm 1986, tôi chấm dứt cuộc sống "giang hồ", tiếp tục việc học rồi sau đó tham gia phim ảnh.
Thực ra, những gì mà nhân vật Trọng và những số phận dưới đáy xã hội, từ các ngả khác nhau quần tụ về bãi rác, hình thành một cộng đồng với những niềm vui, nỗi buồn, đau khổ chưa thể bằng những gì bản thân tôi đã phải vượt qua trong những năm thơ ấu. Có lẽ bởi thế nên tôi diễn như thoát xác cũng là điều dễ hiểu. Nó như một cuốn phim quay chậm về cuộc đời mình.
- Bây giờ, anh còn kiêm thêm vai trò của nhà biên kịch (hai bộ phim "Rock-Rap"- đạo diễn Châu Huế, "Bức tường ngăn có 5 màu" - đạo diễn Đào Bá Sơn) và đạo diễn (phim "Hoa mua đầu núi"). Anh có tin rằng mình sẽ làm được tốt các vai trò ấy như là cách anh đóng phim?
+ Tôi đã làm và hiện đang có trong tay hai kịch bản mà bản thân tôi rất tâm đắc. Tôi muốn thành lập Hãng phim riêng để có thể được làm những tác phẩm điện ảnh mà mình yêu thích.
- Xin cảm ơn anh!
Theo Thiên Kim (VNCA)